Năm 2025, ngành Du lịch Thủ đô đặt mục tiêu đón hơn 30 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế với hy vọng, du lịch sẽ bứt tốc, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.
“Đầu tàu” du lịch cả nước
Năm 2024 được xem là năm tăng trưởng mạnh của ngành Du lịch Việt Nam khi đã đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu khách nội địa, tương đương với lượng khách trước thời điểm dịch Covid-19. Trong đó, du lịch Thủ đô có đóng góp lớn. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 27,86 triệu lượt, tăng 12,7% so với năm 2023, trong đó khách quốc tế là 6,35 triệu lượt, tăng 34,4% so với năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, Hà Nội đang đóng vai trò “đầu tàu” của du lịch cả nước. Nguồn thu từ du lịch của Hà Nội chiếm 1/8 tổng doanh thu cả nước; lượng khách quốc tế đến Hà Nội chiếm 35% tổng lượng khách quốc tế cả nước… “Ngành Du lịch Thủ đô có sự tăng trưởng nổi bật với nhiều sản phẩm du lịch mới trở thành bài học cho nhiều tỉnh, thành khác học tập như các tour đêm, việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch”, thứ trưởng Hồ An Phong đánh giá.
Nhìn lại một năm qua, có thể thấy điểm nhấn của du lịch Hà Nội là đã tổ chức nhiều sự kiện có quy mô lớn, chuyên nghiệp, thường niên như: Lễ hội Thu Hà Nội, Lễ áo dài du lịch Hà Nội, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội… Ngoài sản phẩm truyền thống thu hút khách, Hà Nội còn phát triển nhiều tuyến du lịch kết nối nội thành ra ngoại thành như sản phẩm “Con đường di sản Nam Thăng Long” với 2 tuyến là Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức và tuyến Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; du lịch cộng đồng “Về bản Miền” (Ba Vì), du lịch nông thôn Tích Giang (Phúc Thọ)…
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, thành tựu của du lịch Hà Nội còn được chứng minh bằng nhiều giải thưởng uy tín như: “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam 2024”; “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2024”; “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2024”; “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á 2024” do Tổ chức World Travel Awards trao tặng. “Điều này cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của du lịch Thủ đô trên bản đồ quốc tế và khu vực, tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn của Hà Nội đối với du khách trong và ngoài nước”, bà Đặng Hương Giang đánh giá.
Nâng cao vị thế du lịch Thủ đô
Năm 2025, ngành Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm 2024, trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (gồm 5 triệu lượt khách có lưu trú). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng. Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi toàn ngành cần tập trung và nỗ lực nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, mặc dù du lịch Thủ đô đang tạo được đà tăng trưởng mạnh, song Hà Nội vẫn phải đối diện với nhiều thách thức như: vấn đề môi trường, thiếu sản phẩm cao cấp chủ chốt để thu hút khách hạng sang; du khách lưu trú ít, chi tiêu thấp; chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao...
Theo Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtour Nguyễn Công Hoan, để du lịch cất cánh trong thời gian tới, Hà Nội cần đẩy mạnh các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh; tăng cường chuỗi liên kết với các đơn vị lữ hành, điểm đến để xây dựng sản phẩm chất lượng cao. Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt, Hà Nội còn nhiều dư địa để phát triển du lịch, trong đó cần đẩy mạnh du lịch cao cấp như du lịch golf, du lịch MICE. Để thu hút khách lưu trú dài ngày, Hà Nội cần tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội văn hoá, du lịch hấp dẫn.
Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 để đưa du lịch đạt được mục tiêu kỳ vọng. Trong đó, ngành Du lịch Hà Nội sẽ thực hiện đánh giá lại thị trường khách, tập trung xúc tiến thu hút các thị trường khách quốc tế trọng điểm, truyền thống như: Đông Bắc Á, ASEAN, EU và tổ chức xúc tiến tại các thị trường mới, tiềm năng cao như: Ấn Độ, Đông Âu, các quốc gia hồi giáo Halal...; xây dựng thêm các sản phẩm du lịch, tour du lịch văn hóa gắn với du lịch đêm, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực, du lịch trên sông. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, liên kết các tỉnh, thành phố để tạo tuyến du lịch liên vùng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và xây dựng sản phẩm.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, mục tiêu của năm 2025 không chỉ thu hút khách đông mà còn phải là khách chất lượng, chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. “Việc phát triển du lịch Thủ đô, xây dựng sản phẩm sẽ gắn với không gian quy hoạch chung của Thủ đô trong Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.