Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng của người dân

Võ Lâm| 19/07/2011 04:55

Cải cách thủ tục hành chính sẽ tiết kiệm 30.000 tỷ đồng mỗi năm * Hết tháng 6-2011, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện và đề xuất thực hiện đơn giản hóa hơn 6.500 thủ tục hành chính


Trao đổi thẳng thắn của những người trực tiếp chỉ đạo, triển khai CCTTHC tại đây cho thấy, CCTTHC trên cả nước đã có những bước tiến đáng kể, nhưng con đường phía trước vẫn còn rất dài và nhiều chông gai. Tiến bộ tiếp theo phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố con người và cơ chế.

Nhận thức còn sai, tổ chức bất cập

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Ảnh: Linh Tâm


Báo cáo tổng hợp kết quả triển khai kiểm soát TTHC của VPCP cho biết, tính đến 30-6-2011, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền để đơn giản hóa 3.037 TTHC trên tổng số 4.800 thủ tục phải đơn giản hóa, đạt tỷ lệ 63%. UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ cũng đã ban hành văn bản để thực thi phương án đơn giản hóa của 3.636 TTHC đang được thực hiện ở các sở, ngành và UBND các cấp. Phân tích tác động của kết quả trên, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC cho biết, môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể. Năm 2010, Việt Nam là một trong 4 nước có tốc độ cải cách nhanh nhất, được Ngân hàng Thế giới ghi nhận (chúng ta cũng tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng của cơ quan này). Người dân phấn khởi đón nhận kết quả CCTTHC thông qua những con số và đặc biệt là hiệu quả kinh tế với khả năng tiết kiệm chi phí khoảng 30.000 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, VPCP cũng cho biết, kết quả thực hiện không đồng đều giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương với nhau. Một số bộ, ngành, địa phương chậm trễ thực hiện Đề án 30, thậm chí đối phó, coi như hoạt động phong trào, chưa xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Việc tổ chức, triển khai kiểm soát TTHC hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Đáng kể nhất là dường như vẫn chưa có sự thống nhất về mặt tổ chức bộ phận làm công tác này ở các bộ, ngành, địa phương. Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, việc tổ chức bộ phận kiểm soát TTHC đã gây ra những hiểu lầm nhất định, đồng thời cho rằng nên bố trí Phòng kiểm soát TTHC thuộc Vụ Pháp chế. Trong khi đó, theo đại diện Bộ Y tế, để bảo đảm tính tổng hợp nên bố trí phòng này trực thuộc Văn phòng Bộ. Đa số các ý kiến nhất trí với cách tổ chức bộ phận kiểm soát TTHC trực thuộc văn phòng. Mặt khác, nhiều ý kiến đề nghị cần có chế độ phụ cấp cho cán bộ kiểm soát TTHC giống như cán bộ làm công tác pháp chế hiện nay. Đề nghị này được đưa ra giữa lúc nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng vẫn gặp khó khăn trong thu hút cán bộ làm công tác này. "Chúng tôi phải dùng mệnh lệnh điều động, chứ không có ai xung phong" - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Văn Hùng cho biết. Ngoài ra, nhiều ý kiến phản ánh, kinh phí cho hoạt động kiểm soát TTHC hiện nay chưa bảo đảm...

Đáng chú ý, nhận thức về kiểm soát TTHC cũng chưa thống nhất, thậm chí có nơi còn hời hợt, thiếu đúng đắn. Có ý kiến cho rằng, kiểm soát TTHC cụ thể là công tác đánh giá tác động của quy định về TTHC là "biểu hiện của không đơn giản hóa TTHC", làm chậm quy trình soạn thảo và đưa quy định vào cuộc sống. Nhận thức như vậy, nên một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của kiểm soát TTHC là đánh giá tác động của những quy định về TTHC ngay từ quá trình soạn thảo đã không được triển khai đúng.

Quyết tâm của người đứng đầu

TTHC rườm rà, còn phiền hà vì nhiều người có lợi ích trong đó. Kiểm soát TTHC là giảm phiền hà, chống nhũng nhiễu, cũng có nghĩa là cán bộ làm công tác này phải minh bạch và liêm khiết khi thực thi nhiệm vụ. Rất nhiều ý kiến tại hội nghị đã bày tỏ, muốn kiểm soát TTHC, cần phải chọn được cán bộ có tâm huyết, nhiệt tình, kinh nghiệm và không ngại va chạm. Quan trọng hơn, đó là quyết tâm của người đứng đầu, của những người được giao chỉ đạo trực tiếp.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kiểm soát TTHC nói riêng và CCTTHC nói chung là việc làm ích nước, lợi nhà, không thể làm qua loa. Đóng góp gián tiếp của nó là tạo lòng tin trong nhân dân, một cơ quan làm tốt CCTTHC có tác dụng lớn hơn rất nhiều các hoạt động công tác tư tưởng trực tiếp khác. Ông đề nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận thức, CCTTHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đang được người dân mong chờ, kỳ vọng. Đây là việc chung của cả hệ thống chính trị, chứ không phải của riêng một bộ phận hay cơ quan đơn lẻ nào.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, TTHC gây khó dễ trong môi trường kinh doanh, chậm trễ thời gian là vì kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chưa có sự chuyển biến về chất. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, TP, đặc biệt là chánh văn phòng các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP phải thường xuyên chỉ đạo CCTTHC, không khoán trắng cho bộ phận giúp việc; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN) làm thước đo hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa về nhân sự, điều kiện cho bộ phận kiểm soát TTHC thực thi nhiệm vụ. Về nhiệm vụ đánh giá tác động của các TTHC trước khi ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ thường xuyên báo cáo Chính phủ về việc này, đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền kiên quyết trả lại văn bản khi chưa có ý kiến đánh giá tác động của VPCP, văn phòng các bộ, ngành, địa phương. Ông nhấn mạnh: "CCTTHC là nhiệm vụ khó khăn, lãnh đạo thiếu tâm huyết không thể làm được".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.