Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ký ức về người “chết đứng còn hơn sống quỳ”

Hà Hữu Thống| 23/07/2012 07:06

(HNM) - Đầu năm 1966, trong số 300 thanh niên huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa lên đường nhập ngũ, có 16 người được biên chế vào một đại đội. Sau ngày thống nhất đất nước, 10 người đã nằm lại chiến trường (trong đó có liệt sĩ Trần Quang Đắp).


Liệt sĩ Trần Quang Đắp.

Trần Quang Đắp sinh năm 1946, quê xã Thiệu Quang, được biên chế vào Đại đội 21 (trinh sát), tháng 2-1966 cùng đơn vị vào Nam chiến đấu. Anh được kết nạp vào Đảng tháng 6-1966. Anh Đắp đã từng đưa nhiều đoàn cán bộ đi trinh sát địa hình, trinh sát trận địa, giúp các đơn vị thuộc Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Cuối năm 1968, sư đoàn tổ chức Đại hội chiến sĩ thi đua hai năm 1967-1968, là chiến sĩ thi đua của Trung đoàn 165 dự đại hội, nên tôi (tác giả) biết rõ trường hợp hy sinh anh dũng của Trung đội phó, đảng viên Trần Quang Đắp. Dù bị thương nặng anh vẫn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Bị bắt, địch tra tấn rất dã man, nhưng anh vẫn giữ trọn khí tiết, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Trước lúc bị địch sát hại, anh Đắp đã nhìn thẳng vào mặt kẻ thù và nói: "Tao là Quân giải phóng, tao không biết khai, chỉ biết đánh bọn bay". Địch giết anh nhưng chúng vô cùng khiếp sợ. Sau khi chúng rút, dân làng đã chôn cất anh, ai cũng vô cùng khâm phục về một tấm gương hy sinh anh dũng của bộ đội Cụ Hồ.

Ngay sau đó, họa sĩ Võ Xưởng (sau này là Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7) đã ký họa hành động anh hùng của liệt sĩ Trần Quang Đắp với tựa đề: “Chết đứng còn hơn sống quỳ”. Tháng 3-1969, tôi đã chuyển bức tranh đó từ miền Nam ra để tặng Bảo tàng Quân đội.
Anh Nguyễn Đình Khanh là chiến sĩ Đoàn văn công Sư đoàn 7 cho biết: "Trong những năm tháng đó Trưởng đoàn văn công Sư đoàn 7 Phạm Chùy đã sáng tác bài hát và một vở kịch ca ngợi tấm gương hy sinh anh dũng của Trần Quang Đắp. Đoàn diễn ở đâu cũng được anh em hết sức khâm phục hành động anh hùng của Trần Quang Đắp". Còn thầy giáo Nguyễn Trọng Liên đã viết Truyện ký "Dòng máu trắng" nói về tấm gương hy sinh anh dũng của Trần Quang Đắp như sau: "Ngày 21-11-1967, bà con trong ấp ở phía bên kia đồi nghe tiếng súng nổ, biết là lại có càn. Dân trong ấp phần lớn là dân cạo mủ từ nhiều đời, nhưng rất chí cốt, một lòng theo cách mạng. Tui và một số người trong ấp men theo suối và nấp mình trong chiếc hầm bí mật đào giữa rừng cao su đã được ngụy trang kỹ, mà tụi thám báo không thể phát hiện được. Chúng tôi lật mảng cỏ trên nắp hầm và nhìn thấy một tốp lính ngụy mặc quần áo rằn ri đang tra tấn một anh bộ đội giải phóng. Hàng ngoài bọn lính núp dưới những gốc cao su chờ lệnh. Thằng sĩ quan ngụy tay lăm lăm khẩu súng côn sáu. Trên mặt hắn những vệt máu đỏ còn tươi. Sau những trận đòn dã man, anh bộ đội trẻ không một câu trả lời. Im lặng. Một tên trong bọn chúng thọc lưỡi lê vào sườn anh. Máu nhuộm đỏ người anh. Vẫn im lặng. Cảnh tượng thật khiếp đảm. Thằng sĩ quan ra lệnh cho đám đàn em rút sợi dây võng của một bộ đội đã bị bắn nằm sấp bên cạnh suối. Chúng buộc dây dù vào cổ anh, kéo anh đến một gốc cao su gần đó. Hai thằng trèo lên cây rút anh lên từ mặt đất. Những giọt máu hồng vẫn rớt xuống đất từ trên cao. Một đám mây bay qua che lấp ánh mặt trời vừa khuất đi vùng sáng trong khu rừng cao su. Chúng treo cổ anh. Anh đã hy sinh anh dũng… Chúng tôi ngồi trong hầm, máu căng trên các thớ thịt, yên lặng để cho những giọt nước mắt tràn xuống. Bọn lính ngụy chia nhau thu gom các xác chết mang những bộ quân phục rằn ri. Khoảng nửa tiếng sau một xe nhà binh dừng bên mép lộ. Bọn lính khiêng những xác chết lên xe. Thằng chỉ huy ra lệnh hạ xác người trên cây cao su xuống và dã man dùng lê cứa cổ cho đến khi cái đầu rời khỏi thân người. Chúng ném cái đầu lên chiếc xe Reo và cả tụi mất hút cùng chiếc xe sơn màu ghi nhạt. Bà con chúng tui biết rõ bọn thám báo vẫn chưa đi khỏi nơi này nên yên lặng rút về ấp. Cả ấp đều biết về một tấm gương hy sinh dũng cảm của một anh bộ đội Cụ Hồ. Ba ngày sau đó, bà con trong ấp trở lại cánh rừng để làm công tác liệt sĩ, thân người anh đã căng cứng, trương phồng. Trên ve áo nổi hằn lên một đoạn ngắn, vội xé đường chỉ lấy ra một miếng giấy nhỏ ghi dòng chữ Trần Quang Đắp, Thanh Hóa. Nét chữ lờ mờ trong màu thâm của máu đã khô. Cũng từ đây chúng tôi mới biết tên người liệt sĩ dũng cảm. Bà con liệm Đắp và chôn anh ở nơi này. Năm ngày sau đó chúng tui mới chôn tấm bia tự tạo trên mộ anh.

Người nhà liệt sỹ Trần Quang Đắp đã hai lần vào Nam tìm mộ anh, nhưng không thấy. Gia đình Trần Quang Đắp có 7 anh em, 5 trai, 2 gái, Cha là Trần Quang Thoa (mất năm 1980), mẹ Quản Thị Mùi (mất năm 2000), hiện nay em trai Trần Quang Nhịp đang thờ cúng anh Đắp. Anh thứ hai là Trần Quang Hoàn, sĩ quan quân đội có kể cho tôi biết: Năm 1997 anh Vũ Mạnh Hùng quê xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) viết thư cho gia đình nói trường hợp hy sinh anh dũng của Đắp đã được tuyên dương anh hùng, người đưa thư nghe đọc và loan báo cho cả xã là: "Đắp được tuyên dương anh hùng". Anh Hoàn đưa cho tôi bức thư ngày 22-8-2010 gửi "Chương trình Nhắn tìm đồng đội", bức thư viết: "Bố mẹ Đắp đã qua đời có dặn lại con cháu tiếp tục tìm hỏi cho rõ công lao của một con người đã vì Tổ quốc mà hy sinh". Anh Hùng cho biết đã cùng đồng đội chiến đấu đến cùng để giải vây cho Đắp, nhưng lực lượng ít, thương vong nhiều nên phải lùi về phía sau. Khi Hùng quay lại thì Đắp đã bị bắt". Tôi cũng đã được đọc thư của anh Phùng Bá Thảo, Đại đội trưởng trinh sát, thủ trưởng trực tiếp của Đắp. Bị thương, anh Thảo được đồng đội đưa đi viện cứu chữa. Trước khi ra Bắc điều trị, anh Thảo dặn đồng đội: "Đắp bị thương, bị bắt ở làng 5 Hớn Quản, anh em ở lại lo cho đồng chí chu đáo". Thư của ông Nguyễn Sĩ Động, Tham mưu trưởng Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, gửi gia đình liệt sĩ Đắp: "Sự hy sinh cao quý, tinh thần bất khuất của đồng chí Đắp anh em đơn vị đều biết. Tôi (ông Động) đã trao đổi với Ban liên lạc Sư đoàn 7 ngoài này và đơn vị cũ để giúp đỡ".

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hành động anh hùng, tấm gương hy sinh oanh liệt của liệt sĩ Trần Quang Đắp còn sống mãi. Mong muốn tha thiết của gia đình và đồng đội của liệt sỹ là các cơ quan chức năng sớm rà soát, củng cố hồ sơ, cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tiếp tục thu thập thông tin, thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa theo đúng quy định, đồng thời kiến nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ Trần Quang Đắp và sớm tìm kiếm hài cốt của anh. Đó là việc làm thiết thực góp phần tri ân những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức về người “chết đứng còn hơn sống quỳ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.