Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ký ức không quên về 12 ngày đêm ''Điện Biên Phủ trên không'' trong cầu truyền hình ''Bản hùng ca chiến thắng''

Hoàng Lân - Ảnh: Nhật Nam| 17/12/2022 21:21

(HNMO) - Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tối 17-12, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện cầu truyền hình đặc biệt “Bản hùng ca chiến thắng” tại 3 điểm cầu: Cột cờ Hà Nội, Đài tưởng niệm Khâm Thiên và trận địa tên lửa Chèm thuộc xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Các đại biểu tham dự chương trình.

Đến dự chương trình có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Trung tướng Trần Ngọc Quyến, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Nguyễn Quốc Duyệt…

Cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng” tái hiện lịch sử kiên cường của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đặc biệt là trong 12 ngày đêm quân và dân Hà Nội chiến đấu với B-52. Khán giả có cái nhìn xuyên suốt, toàn diện từ tiến trình lịch sử "Sự kiện vịnh Bắc Bộ" đến những thời khắc đầy cam go tại Hội nghị Paris, quân và dân Hà Nội đã đứng lên quyết giành chiến thắng.

Không chỉ được kể lại bằng các phóng sự, tiểu phẩm, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn được tái hiện một cách sống động bằng những câu chuyện đầy cảm xúc của 50 năm trước với những nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội. Trong đó có câu chuyện của Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng P-35, Đại đội 45, Trung đoàn 291, Sư đoàn Phòng không 365. Ông là người đầu tiên kịp thời xác định và thông báo sớm cho Hà Nội 35 phút để nhân dân sơ tán và các lực lượng phòng không, không quân chuẩn bị đối phó với "pháo đài bay" B-52. 

Đại tá Nghiêm Đình Tích kể câu chuyện phát hiện B-52 của Mỹ.

Theo Đại tá Nghiêm Đình Tích, với máy móc thiết bị có hạn, việc phát hiện mục tiêu là các máy bay bình thường đã khó, trong trận đánh này, để phát hiện được B-52, loại máy bay tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ, lại càng khó khăn gấp bội. Bởi mỗi lần xuất trận, B-52 của Mỹ không bay một mình mà có hơn chục chiếc máy bay khác bay xung quanh, mục đích là bảo vệ và gây nhiễu để ra-đa của ta không phát hiện được.

"Lúc đó, chúng tôi có 6 máy thu sóng, nhưng khi B-52 bay trên bầu trời, tất cả sóng máy thu của ta đều bị nhiễu. Bằng kinh nghiệm và sự sáng tạo, chúng tôi chỉ sử dụng 1 máy thu, sử dụng 2 ăngten trên và dưới hợp lý để chế áp nhiễu. Lúc này, trên màn hình chỉ còn dải nhiễu B-52 rất nhẹ, nổi lên 3 điểm sáng bằng đầu tăm. Tức là chúng tôi đã phát hiện ra B-52. Chúng tôi đã báo chính xác về Hà Nội là B-52 đang kéo vào đánh phá miền Bắc để cho các đơn vị kịp thời chuẩn bị và sẵn sàng ứng chiến", Đại tá Nghiêm Đình Tích kể lại.

Khán giả còn được nghe câu chuyện của các nhân chứng lịch sử: Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân; Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Trợ lý tên lửa, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu; nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Di Niên…

Các tiết mục biểu diễn trong chương trình.

Trong chương trình, khán giả còn được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc với những bài hát đi cùng năm tháng: "Bản hùng ca một thời chiến thắng", "Hà Nội ngày trở về", "Bài ca Hà Nội", "Tiếng nói Hà Nội", "Hà Nội niềm tin hy vọng", "Hà Nội những đêm không ngủ", "Tên lửa ta đánh rất hay", "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"... với sự tham gia của các ca sĩ: Hoàng Tùng, Thu Lan, Đinh Trang, Đông Hùng, Quỳnh Lan…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ký ức không quên về 12 ngày đêm ''Điện Biên Phủ trên không'' trong cầu truyền hình ''Bản hùng ca chiến thắng''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.