Kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 đã rục rịch khởi động khi một số cơ sở giáo dục đại học công bố định hướng tuyển sinh.
Với việc lần đầu học sinh được lựa chọn môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung phổ thông, định hướng tuyển sinh đại học cũng có nhiều điều chỉnh; trong đó nổi lên là nhiều trường tăng số tổ hợp xét tuyển, giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do vậy, thí sinh cần đặc biệt lưu ý để chủ động trong việc học tập.
Điều chỉnh tổ hợp môn
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn), 2 môn lựa chọn trong số 9 môn gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Để thích ứng với kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình mới, phương án tuyển sinh của các trường đại học cũng có những điều chỉnh phù hợp.
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành quy chế tuyển sinh đại học, song các nhà trường đã chủ động công bố dự kiến phương án tuyển sinh. Điểm chung đáng chú ý trong định hướng tuyển sinh của các trường là điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển phù hợp với việc học theo chương trình mới, giảm các tổ hợp không hiệu quả, gây khó khăn cho thí sinh.
Năm 2025, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến tuyển 4.120 sinh viên. Ngoài 4 tổ hợp truyền thống là A00 (toán, vật lý, hóa học), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh), B00 (toán, hóa học, sinh học), trường bổ sung hai tổ hợp có môn tin học là toán, tiếng Anh, tin học và toán, vật lý, tin học. Như vậy, tin học là môn lần đầu có trong danh sách các môn mà thí sinh có thể lựa chọn để đăng ký thi tốt nghiệp.
Trong khi đó, Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo bổ sung tổ hợp xét tuyển K01, gồm toán, ngữ văn kết hợp với một trong 4 môn là vật lý, hóa học, sinh học, tin học. Còn Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ xét tuyển theo 4 tổ hợp, gồm A00 (toán, vật lý, hóa học), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh), D07 (toán, hóa học, tiếng Anh); không duy trì các tổ hợp khác như đã từng triển khai ở kỳ tuyển sinh năm 2024 trở về trước.
Theo thông tin từ Trường Đại học Y Hà Nội, năm 2024 là năm đầu tiên tổ chức xét tuyển tổ hợp C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lý) và D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh), đồng thời duy trì tổ hợp truyền thống B00 (toán, hóa học, sinh học). Tuy nhiên, năm nay nhà trường có thể phải điều chỉnh về tổ hợp xét tuyển bởi theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng (đang lấy ý kiến rộng rãi đến ngày 22-1-2025), giữa các tổ hợp xét tuyển phải có môn chung. Như vậy, các thí sinh có dự định xét tuyển vào trường cần lưu ý, khả năng nhà trường sẽ xây dựng tổ hợp môn mới thay thế tổ hợp C00.
Giảm lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Định hướng tuyển sinh đại học năm 2025 của các trường công bố cũng thấy rõ sự khác biệt so với năm 2024 là giảm sự lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này thể hiện ở việc các trường giảm chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp.
Theo thông báo của Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường tuyển sinh 9.680 sinh viên theo ba phương thức: Xét tuyển tài năng (chiếm 20% tổng chỉ tiêu), xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy (40%) và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (40%). So với năm 2024, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp giảm khoảng 10%.
Trường Đại học Thương mại dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, tăng chỉ tiêu xét tuyển theo các phương thức khác, trong đó có sử dụng điểm bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Thông tin từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết cũng có lộ trình tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức và giảm dần tỷ lệ chỉ tiêu bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương cho hay, nhà trường thường xuyên cập nhật thông tin về kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học tới hơn 600 học sinh lớp 12. Yêu cầu được quán triệt là tuyệt đối không chểnh mảng trong học tập, từ đó có thể đáp ứng hiệu quả các điều chỉnh trong thi tốt nghiệp và tuyển sinh.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học quy định các trường xây dựng tổ hợp môn dùng để xét tuyển phải bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo; số lượng các môn chung giữa các tổ hợp phải giống nhau từ 50% trở lên. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng có quá nhiều tổ hợp xét tuyển trong một ngành, đồng thời cũng buộc các trường phải xây dựng các tổ hợp có môn cốt lõi với ngành đào tạo. Ngoài ra, các trường xét tuyển bằng học bạ phải sử dụng kết quả học tập của cả năm lớp 12, thay vì chỉ tính đến học kỳ I như nhiều trường vẫn áp dụng, tránh tình trạng học sinh lơ là ở học kỳ cuối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.