Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa chuột xuân hè

Thúy Nga| 18/05/2016 06:54

(HNM) - Dưa chuột là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy chi phí và chăm sóc không nhiều nhưng để đạt năng suất cao trong vụ xuân hè, cần chọn giống tốt, tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật.


Trồng dưa chuột khá đơn giản nhưng phải chọn những giống ưu thế lai mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Để thích hợp với đồng đất ngoại thành Hà Nội, nên trồng các giống dưa lai PC4, GL1-2… Thời gian sinh trưởng giống dưa lai PC4 khoảng 85-90 ngày; năng suất đạt trên 50 tấn/ha; quả có hình đẹp, vỏ màu xanh đậm, gai quả đen, cùi dày, giòn, thơm thích hợp cho ăn tươi và chế biến muối mặn xuất khẩu; khả năng chống chịu sâu bệnh héo xanh vi khuẩn và sương mai khá. Giống dưa lai GL1-2 có khả năng phát triển tốt, thời gian sinh trưởng 80-85 ngày; vỏ quả màu xanh, gai trắng, ruột đặc, ăn giòn, ngọt, chất lượng quả tốt, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước; giống chịu bệnh sương mai và phấn trắng tốt.

Do bộ rễ dưa chuột phát triển yếu nên nông dân cần làm đất kỹ; sau khi cày bừa, tiến hành lên luống ngay, tránh gặp mưa. Lượng phân bón cho một héc ta trồng dưa chuột: Phân chuồng mục 20 tấn, đạm urê 150kg, phân lân 200kg, kali 20kg; đất hơi chua có thể bón thêm vôi bột khoảng 840kg/ha; phân chuồng, vôi bột và lân bón lót toàn bộ cùng với một nửa số phân đạm và kali; số còn lại dùng để bón thúc kết hợp với xới vun.

Để có thể đạt năng suất cao, giàn dưa chuột cắm hình chữ nhật. Sau khi cắm buộc giàn chắc chắn, dùng dây mềm buộc ngọn dưa lên giàn. Công việc này làm thường xuyên đến khi cây ngừng sinh trưởng (thu 3-4 lứa quả). Sau khi thu lứa quả đầu, dùng nốt số đạm và kali còn lại tưới thúc cho cây. Nếu gặp mưa, đất ẩm, dùng cuốc nhỏ bổ hốc giữa 2 gốc cây, bón phân và lấp đất, kết hợp làm cỏ và loại bỏ lá già, lá bị bệnh.

Dưa chuột thường gặp các bệnh sương mai, phấn trắng… Đây là các bệnh nguy hiểm, gây hại cho dưa chuột ở tất cả các vùng trồng. Vào thời kỳ có nhiệt độ thấp (dưới 20 độ C) và độ ẩm không khí cao, bệnh sương mai gây các vết thâm vuông cạnh trên mặt lá, làm chết các tế bào, dẫn tới khô lá. Còn bệnh phấn trắng xuất hiện giữa hoặc cuối thời kỳ sinh trưởng. Nông dân thực hiện ngay biện pháp phòng trừ bệnh theo hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa chuột xuân hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.