(HNM) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 sắp chính thức bắt đầu. Với số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớn nhất cả nước - gần 78 nghìn TS, Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị những điều kiện cần thiết, trong đó có việc xây dựng các phương án dự phòng để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
So với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, số lượng TS đăng ký dự thi năm nay ít hơn khoảng 2 nghìn em. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) và kiểm tra các kỳ thi, tuyển sinh năm 2013 của Hà Nội, mọi thành viên tham gia tổ chức, chỉ đạo và thực hiện kỳ thi phải tuân thủ nghiêm túc quy định hiện hành, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan ở bất kỳ khâu nào.
Thí sinh làm bài tại Hội đồng thi Trường THPT Việt - Đức. Ảnh: Viết Thành |
Cho tới nay, BCĐ và kiểm tra các kỳ thi của 29 quận, huyện, thị xã đã rà soát điều kiện cơ sở vật chất của các hội đồng coi thi (HĐCT) tại địa bàn. Với sự tham gia của phó chủ tịch các quận, huyện, thị xã vào BCĐ và kiểm tra thi, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thuận lợi hơn, nhất là khi cần giải quyết khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất và huy động sự tham gia của các lực lượng tại địa phương để bảo đảm an toàn cho các HĐCT.
Năm nay, Hà Nội tiếp tục tổ chức các HĐCT theo hình thức cụm trường. Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố có 81 cụm trường. Trước khi xây dựng phương án tổ chức các cụm trường, đặt địa điểm HĐCT, Sở GD-ĐT Hà Nội đã khảo sát địa bàn, lấy ý kiến góp ý của ban giám hiệu các trường nhằm bảo đảm cho TS không phải đi đến địa điểm thi quá xa. Sự tính toán kỹ lưỡng không chỉ hạn chế rủi ro cho TS mà còn giúp các HĐCT và chính quyền sở tại "giảm tải" trong việc lo chỗ ăn, nghỉ, bảo đảm an toàn cho TS đến dự thi.
Năm 2013, Hà Nội tổ chức các HĐCT ghép giữa hệ THPT và bổ túc THPT. Nhiều năm trước đây, các HĐCT của hai hệ này được tổ chức riêng biệt. Tuy nhiên, các HĐCT của hệ bổ túc THPT thường có biểu hiện dễ dãi, làm nảy sinh nhiều tiêu cực. Việc ghép HĐCT hai hệ là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm chất lượng tổ chức thi đối với hệ bổ túc THPT. Trước sự băn khoăn của nhiều người, cho rằng đề thi của hệ bổ túc THPT dễ hơn đề của hệ THPT nên TS có thể lựa chọn để làm bài cho kết quả cao, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, mặc dù chung HĐCT nhưng theo quy chế, HS lớp 12 năm học 2012-2013 không được đăng ký dự thi và làm bài thi tốt nghiệp theo chương trình của hệ bổ túc THPT.
Thí sinh được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản; Át lát địa lý Việt Nam (đối với môn thi địa lý, do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm gì); các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ. |
Nỗi lo phạm quy
Tin từ các sở, ngành - thành viên của BCĐ và kiểm tra các kỳ thi, tuyển sinh của thành phố cho thấy, tất cả đã sẵn sàng kế hoạch phối hợp với ngành GD-ĐT trong việc tổ chức kỳ thi. Ngành điện đã chủ động phương án dự phòng cho trường hợp mưa bão hoặc nắng nóng gây quá tải. Tại khu vực trọng điểm, các địa điểm sao in đề thi đều có máy phát điện và lực lượng trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố, bảo đảm cho tiến độ sao in đề thi. Ngành giao thông, cấp nước, y tế, môi trường, điện lực, thông tin và truyền thông... đều khẳng định đã sẵn sàng điều kiện cần thiết để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho TS dự thi.
Hiện nay, ngoài các đoàn kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ kỳ thi của ngành GD-ĐT, lực lượng công an đã rốt ráo vào cuộc, tiến hành rà soát cơ sở vật chất, tường rào, cổng trường, khu vực xung quanh HĐCT... Thượng tá Nguyễn Minh Chính - Phó Trưởng phòng Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng - Công an thành phố Hà Nội - cho biết: "Để bảo đảm an ninh trật tự quanh khu vực thi, Công an thành phố đã yêu cầu đóng cửa các hàng quán áp sát cổng trường; các điểm photocopy trên địa bàn phải cam kết không in sao tài liệu, được khuyến khích dừng hoạt động trong những ngày thi. Về các điểm đỗ, dừng và chờ TS trong thời gian thi, cơ quan chức năng đã có chỉ dẫn cụ thể, theo hướng giãn xa khu vực cổng trường.
Mối lo lớn của các thành viên trong BCĐ và kiểm tra các kỳ thi lúc này là việc hướng dẫn và quản lý TS thực hiện quy định mang các thiết bị ghi âm, ghi hình mà không thể phát hoặc truyền tín hiệu vào phòng thi. Đây là điểm mới trong quy chế thi được Bộ GD-ĐT chỉ đạo áp dụng từ kỳ thi năm nay, đã gây tranh cãi ngay từ khi phê duyệt. Theo Đại tá Phạm Xuân Bình - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cần lưu ý phổ biến quy định mới cho TS, nếu không, sẽ có TS hiểu lầm rằng được phép mang điện thoại vào phòng thi. Thực tế cho thấy cần có sự thống nhất sớm giữa lực lượng công an các cấp và ngành GD-ĐT để kiểm soát việc sử dụng các thiết bị nói trên đúng quy chế. Vấn đề quan trọng là xác định thế nào là thiết bị chỉ thu mà không thể truyền hoặc nhận thông tin. Trong bối cảnh CNTT phát triển mạnh, đây thực sự là một thách thức lớn đối với các thầy, cô giáo khi làm nhiệm vụ thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.