(HNM) - Một thông tin nhận được sự quan tâm của dư luận trong những ngày đầu Xuân mới là những điều chỉnh trong kỳ thi THPT năm 2016 của Bộ GD-ĐT.
Các thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh năm học 2015-2016 tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng. Ảnh: Nhật Nam |
Đây là năm thứ hai Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi theo hình thức "hai trong một", vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm trước, kỳ thi năm nay sẽ có một số điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.
Địa phương nào cũng có cụm thi
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 1 đến 4-7 với 8 môn như tại kỳ thi năm 2015, trong đó có 3 môn bắt buộc gồm: Toán, văn, ngoại ngữ; ngoài ra, thí sinh (TS) được tự chọn trong số 5 môn: Lý, hóa, sinh, sử, địa. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Nhằm tạo thuận lợi trong việc đi lại, hạn chế tình trạng TS phải di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác như tại kỳ thi năm 2015, năm nay Bộ GD-ĐT quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức hai loại cụm thi: Cụm thi cho TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ (do trường ĐH chủ trì); cụm thi cho TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (do Sở GD-ĐT chủ trì). Tùy theo tình hình cụ thể, bên cạnh cụm thi do trường ĐH chủ trì, Bộ GD-ĐT cho phép địa phương quyết định có tổ chức thêm cụm thi cho TS chỉ xét tốt nghiệp hay không.
Về việc đăng ký dự thi, Bộ GD-ĐT quy định TS đang học tại cơ sở giáo dục nào thì đăng ký dự thi tại cơ sở giáo dục đó. Riêng TS tự do được phép chọn địa điểm thi thuận tiện nhất. Sở GD-ĐT địa phương có trách nhiệm bố trí địa điểm và tổ chức thu nhận hồ sơ của TS thuộc diện này. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tại mỗi quận, huyện, thị xã đều bố trí địa điểm thu nhận hồ sơ của các TS tự do. Sở GD-ĐT sẽ thông báo công khai địa chỉ, thời gian, số điện thoại và các thông tin liên quan đến việc thu nhận hồ sơ trên trang web của ngành và các phương tiện truyền thông để TS liên hệ.
Một điều chỉnh khác khiến TS và phụ huynh rất phấn khởi là các đơn vị chủ trì cụm thi được quyền công bố kết quả của cụm thi thay vì chỉ Bộ GD-ĐT được quyền công bố như năm trước. Em Lê Văn Thái, lớp 12 Trường THPT Thạch Bàn cho rằng: Cách thức này sẽ giúp TS tra cứu kết quả thi nhanh chóng, đơn giản hơn, thay vì phải căng thẳng chờ đợi do có quá nhiều người truy cập tại cùng một thời điểm gây nghẽn mạng như đã xảy ra trong kỳ thi năm 2015.
Tăng câu hỏi mở
Đây là giai đoạn cao điểm của các nhà trường trong việc vừa tập trung dạy học theo chương trình, vừa tổ chức ôn tập cho học sinh (HS) theo định hướng thi ĐH, CĐ. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: Kế hoạch ôn tập cho HS lớp 12 đã được nhà trường triển khai từ đầu năm học, với ba môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ. Sau khi có thông báo chính thức của Bộ GD-ĐT về các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường tiếp tục tổ chức ôn tập theo các nhóm môn thi, trong đó đặc biệt quan tâm bồi dưỡng HS có học lực trung bình, yếu. Không chỉ quan tâm đến học lực, trong quá trình ôn tập, bồi dưỡng, thầy cô giáo còn có trách nhiệm định hướng, tư vấn cho HS lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực.
Đề thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ được xây dựng ra sao là mối quan tâm lớn nhất của các TS tại thời điểm hiện tại. Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Về cơ bản, đề thi năm nay ổn định như năm 2015, với các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là ở lớp 12. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét tăng cường các câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng để bảo đảm độ phân hóa cao hơn, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ có chất lượng hơn.
Trước một số kiến nghị tách riêng nội dung thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong đề thi THPT quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết đây là nội dung đã được các chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên thảo luận kỹ và cho rằng, việc tách riêng sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong khâu tổ chức thi. Trên thực tế, đề thi THPT được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó nhằm tạo thuận lợi cho TS khi làm bài và theo dõi kết quả. Bên cạnh đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT quốc gia, chủ yếu ở lớp 12, nên việc sử dụng chung đề thi sẽ làm tăng cơ hội cho TS phát huy tối đa năng lực.
Theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ câu hỏi ở mức độ nâng cao trong đề thi THPT quốc gia năm 2016 dự kiến chiếm khoảng 40%, còn lại là các câu hỏi ở mức độ cơ bản. Với việc xây dựng cấu trúc đề thi như vậy, các TS có thể yên tâm ôn tập theo nội dung chương trình THPT hiện hành và hướng dẫn của thầy, cô là có thể làm bài đạt kết quả tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.