(HNM) - Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4-7, ngày 27-6, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn công tác coi thi đối với trưởng 31 điểm thi, thuộc cụm thi địa phương.
Đây là các điểm tổ chức thi cho hơn 16.000 thí sinh (TS) chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT, bởi vậy công tác coi thi được đặc biệt lưu tâm, với yêu cầu siết chặt kỷ luật phòng thi, bảo đảm sự nghiêm túc, công bằng cho mọi TS, dù dự thi ở cụm thi địa phương hay cụm thi đại học (ĐH).
Công tác coi thi sẽ được siết chặt tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: Viết Thành |
Coi thi chặt chẽ...
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Hà Nội có 6 cụm thi, gồm 5 cụm thi ĐH với 73 điểm thi (dành cho TS dự thi với hai mục đích, vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ) và 1 cụm thi của Sở GD-ĐT với 31 điểm thi (dành cho TS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT). Mối quan tâm hàng đầu của Ban Chỉ đạo thi THPT thành phố là bảo đảm không có sự khác biệt giữa hai loại cụm thi, để mọi TS dù dự thi ở cụm thi ĐH hay cụm thi địa phương đều được yên tâm về sự công bằng, nghiêm túc. Trong đó, khâu coi thi được coi là khâu trọng yếu, có ảnh hưởng lớn đến kết quả của kỳ thi.
Tại hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ coi thi ngày 27-6, Sở GD-ĐT đã công bố cụ thể số lượng cán bộ coi thi (CBCT) của từng môn thi, tại từng điểm thi. Yêu cầu bắt buộc đối với việc phân công CBCT tại từng môn thi là bảo đảm tỷ lệ 50% số CBCT là giảng viên ĐH, 50% số CBCT là giáo viên THPT. Quy trình triển khai thống nhất tại 31 điểm thi được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Đại chỉ đạo, đó là: Mỗi điểm thi làm hai bộ phiếu thăm, 1 bộ dành cho giảng viên ĐH, 1 bộ dành cho giáo viên THPT, số thứ tự phiếu thăm tương ứng với số phòng thi, sau đó mời lần lượt hai bên lên bốc thăm. Những người có cùng số thứ tự sẽ coi thi ở cùng một phòng. Cách thức này được lặp lại ở đầu mỗi buổi thi.
Ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội nhắc nhở các trưởng điểm thi lưu ý trách nhiệm của CBCT thứ nhất và CBCT thứ hai tại kỳ thi THPT quốc gia là như nhau, không có ai là chính, ai là phụ, bởi vậy, khi phân công nhiệm vụ phải rõ ràng với yêu cầu thực hiện đúng quy trình đã giao, người này không làm lẫn sang phần việc của người kia. Khi CBCT thứ nhất gọi tên TS vào phòng thi, thì CBCT thứ hai làm nhiệm vụ nhận diện TS, kiểm tra vật dụng TS mang vào... Trong giờ làm bài, một CBCT bao quát từ đầu phòng đến cuối phòng, người còn lại bao quát từ cuối phòng đến đầu phòng.
Một điểm lưu ý khác đối với CBCT tại các điểm thi của Sở GD-ĐT năm nay là sự khác biệt trong quy định ghi số báo danh TS. CBCT có trách nhiệm phổ biến kỹ cho TS điều này, tránh nhầm lẫn để ảnh hưởng đến quyền lợi của TS. Theo đó, số báo danh của mỗi TS gồm 9 ký tự, trong đó 3 ký tự đầu ấn định là 001 (mã điểm thi Sở GD-ĐT), 6 số còn lại là số báo danh của TS. Trong khi đó, số báo danh của TS dự thi tại cụm thi ĐH có 3 ký tự đầu là chữ cái.
Tăng cường giám sát thi
Trong quá trình tổ chức coi thi, hoạt động giám sát thi được coi là một trong những đầu việc quan trọng, kịp thời phát hiện, điều chỉnh những nhầm lẫn, sai sót (nếu có) trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các thành viên tại điểm thi, góp phần tạo nên sự thành công của kỳ thi. Lực lượng này bao gồm cán bộ giám sát, thanh tra, trật tự viên, công an... tham gia giữ gìn an ninh trật tự, kỷ luật phòng thi tại các điểm thi trên địa bàn.
Với tổng số 691 phòng thi của 31 điểm thi thuộc cụm thi Sở GD-ĐT năm nay, số lượng thanh tra giám sát làm nhiệm vụ của Hà Nội là gần 100 người, bảo đảm mỗi người giám sát không nhiều hơn 7 phòng thi. Nhằm bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan cho cụm thi Sở GD-ĐT, số lượng cán bộ giám sát được điều động cũng phải bảo đảm tỷ lệ như với CBCT là 50% là giảng viên ĐH. Ngoài nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các thành viên tại điểm thi; nhắc nhở, lập biên bản đối với CBCT, nhân viên phục vụ (nếu phát hiện sai phạm), cán bộ giám sát còn có trách nhiệm kiến nghị trưởng điểm thi đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ đối với thành viên điểm thi (nếu có sai phạm). Ngoài lực lượng giám sát phòng thi, tại các điểm thi còn có lực lượng thanh tra cắm chốt, với số lượng trung bình 2 người/điểm thi. Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ quyết định tăng số lượng thanh tra tại những điểm thi có quy mô từ 30 phòng trở lên hoặc những điểm thi có nguy cơ dễ xảy ra sự cố. Trong quá trình tổ chức thi, Ban Chỉ đạo thi THPT thành phố cũng sẽ đi kiểm tra đột xuất tại các điểm thi.
Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, với các TS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT tại cụm thi địa phương, có hai tình huống có thể xảy ra: Thứ nhất là TS làm bài xong sớm, thứ hai là không làm được bài. Do vậy, việc quản lý TS, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi với yêu cầu chấp hành đúng quy chế thi của Bộ GD-ĐT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các thành viên điểm thi trong quá trình tổ chức coi thi. Nhiệm vụ của trưởng điểm thi theo đó nặng nề hơn là có quyền điều hành, nhắc nhở, xử lý kỷ luật đối với các thành viên trong quá trình thực hiện quy chế, kể cả với giảng viên đến từ các trường ĐH. Do đặc thù kỳ thi có môn tự chọn, số lượng TS mỗi buổi thi khác nhau, trưởng điểm thi còn có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch phân công các thành viên, trong đó đặc biệt là lực lượng giám sát thi để vừa bảo đảm đúng quy chế, vừa quản lý chặt kỷ luật phòng thi, tuyệt đối không để xảy ra lộ đề hoặc sự cố trong quá trình coi thi.
Cả nước có 1.482 điểm thi THPT quốc gia năm 2016 với 31.668 phòng thi và tổng số TS dự thi của cả nước là 887.396 TS (giảm 118.258 TS so với năm 2015). Trong đó có 286.129 TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, chiếm 32%; số TS dự thi với mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 519.497 TS, chiếm tỷ lệ 59%; số còn lại là TS dự thi chỉ để xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.