Hỏi: Trong giao dịch mua bán hàng hóa ở nhiều nước, người ta thường dùng kỳ phiếu thương mại để đòi nợ nhau. Vậy, kỳ phiếu thương mại là giấy tờ gì ? Trả lời: Trong hoạt động tín dụng thương mại, hai bên đối tác kinh doanh có thể cho nhau bán hàng hóa trước, trả tiền sau...
Bạn đọc hỏi: - Trong giao dịch mua bán hàng hóa ở nhiều nước, người ta thường dùng kỳ phiếu thương mại để đòi nợ nhau. Vậy, kỳ phiếu thương mại là giấy tờ gì ?
Trả lời: Trong hoạt động tín dụng thương mại, hai bên đối tác kinh doanh có thể cho nhau bán hàng hóa trước, trả tiền sau. Để ghi lại khoản tiền chưa trả, người ta dùng một loại giấy tờ, gọi là kỳ phiếu thương mại. Đây chính là giấy chứng nhận khoản nợ mà bên mua hàng chưa trả. Nó có giá trị pháp lý để người bán chịu đòi tiền người mua chịu, khi đến hạn thanh toán.
Kỳ phiếu thương mại (còn gọi là thương phiếu), có hai loại: để đòi nợ gọi là “hối phiếu”; nhận trả nợ gọi là “lệnh phiếu”.
Hối phiếudo người có hàng bán chịu, lập ra để ra lệnh cho người đã mua chịu trả tiền khi đến hạn thanh toán. Nội dung của hối phiếu là lệnh cho người nợ tiền (do mua hàng chịu) phải trả một khoản tiền nhất định vào một ngày nhất định. Người nhận khoản tiền này có thể là người đã bán hàng, cũng có thể là người thứ ba. Ví dụ: A bán hàng cho B, nhưng yêu cầu B trả tiền cho C (vì có thể A nợ C). Lúc đó, A là người lập hối phiếu để ra lệnh cho B trả tiền. B là người thụ lệnh và C là người thụ hưởng (nhận tiền).
Còn lệnh phiếulà giấy tờ do người nợ lập ra để cam kết trả tiền cho người thụ hưởng theo thời gian và địa điểm nhất định. Người thụ hưởng có thể là người chủ nợ, nhưng cũng có thể là người thứ ba. Về mặt hình thức thì hối phiếu và lệnh phiếu có cấu trúc gần giống nhau. Nhưng về bản chất pháp lý thì nó lại trái nhau: một loại là để đòi nợ, còn loại kia là để nhận trả nợ.
Hối phiếu và lệnh phiếu cũng là loại giấy tờ có giá được lưu thông trên thị trường chứng khoán. ở nước ta, loại giấy tờ này chưa được phổ biến nên nó còn xa lạ với thị trường tiền tệ.
Luật gia Bùi Công Lý(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.