Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, trách nhiệm và sứ mệnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam không chỉ dừng ở việc làm tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Công đoàn Việt Nam còn đang trở thành trung tâm kết nối và phát triển, là “ngôi nhà chung” nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của các công đoàn viên.
Trong những năm qua, tổ chức Công đoàn đã làm tốt vai trò là đại diện chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động. Theo đó, Công đoàn các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về công nhân, người lao động. Nổi bật trong những ngày này là chương trình “Bữa cơm Công đoàn” (triển khai từ ngày 20-7 đến 2-9-2025) đang được các cấp Công đoàn tổ chức đồng loạt trên toàn quốc nhằm tri ân, động viên và gắn kết người lao động. Cùng với đó là hoạt động thăm hỏi, tặng quà công nhân, người lao động nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2025).
Đặc biệt, một trong những dấu ấn về chăm lo cho người lao động hằng năm của tổ chức Công đoàn là các hoạt động nhân văn trong Tháng Công nhân. Theo đó, chỉ riêng Tháng Công nhân năm 2025 (từ ngày 1-5 đến 31-5) đã có hơn 1,4 triệu lượt đoàn viên được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 265 tỷ đồng; 1.010 Mái ấm Công đoàn được xây dựng, sửa chữa; hàng triệu lượt đoàn viên hưởng phúc lợi về y tế, học tập, chăm sóc con nhỏ...
Một hoạt động ý nghĩa khác không thể không nhắc tới là Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo. Những đồng vốn từ quỹ đã thực sự trở thành điểm tựa tin cậy, mang lại cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều đoàn viên công đoàn. Tại thành phố Hà Nội, từ nguồn vốn vay của quỹ, nhiều đoàn viên, công nhân đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, quỹ đã giải ngân 51,67 tỷ đồng cho 1.277 lượt đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động vay vốn phát triển kinh tế...
Chị Đỗ Thị Thảo ở xã Hạ Bằng (Hà Nội) - một công nhân đang làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, chia sẻ: “Là công nhân, chúng tôi nhận thấy vai trò rất lớn của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp. Một mặt chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động; mặt khác Công đoàn luôn đồng hành với những hoàn cảnh công nhân khó khăn để giúp họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”.
Cùng với bảo vệ, chăm lo và xây dựng phúc lợi bền vững cho công nhân, người lao động, Công đoàn Việt Nam khẳng định vai trò kiến tạo trong việc xây dựng môi trường làm việc nhân văn, công bằng và phát triển; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, xứng tầm trong kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, bộ máy tổ chức Công đoàn các cấp hiện nay đã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng hành chặt chẽ với hệ thống chính trị. Theo đó, thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đến nay còn 34 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố tương ứng đơn vị hành chính cấp tỉnh từ ngày 1-7-2025. Hiện cả nước còn 62.059 Công đoàn cấp cơ sở.
Bộ máy tổ chức bảo đảm tinh gọn đồng nghĩa vai trò của các cấp Công đoàn sẽ lớn hơn, trách nhiệm cao hơn. Mới đây, việc Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu FANI được thành lập nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam đã mang lại niềm vui cho doanh nghiệp và tập thể người lao động. Đặc biệt, đây là Công đoàn cơ sở đầu tiên được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trực tiếp vận động thành lập sau khi mô hình Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kết thúc hoạt động.
Chia sẻ tại sự kiện ý nghĩa này, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để Công đoàn cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Cùng với đó là trực tiếp đẩy mạnh tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động khi trở thành đoàn viên Công đoàn.
Qua việc này có thể thấy, tổ chức Công đoàn sau sắp xếp, tinh gọn đang hoạt động theo phương châm gắn bó thực chất, sâu sát với công nhân, người lao động. Mục tiêu cao nhất là không chỉ kết nạp thêm hội viên mà sẽ xây dựng tổ chức Công đoàn cơ sở thực chất, có tiếng nói, có năng lực đối thoại, đại diện thực sự cho công nhân ở nơi làm việc. Nói cách khác, tổ chức Công đoàn phải trở thành nơi công nhân, người lao động tìm đến khi cần định hướng, sẻ chia những vấn đề trong cuộc sống; là “ngôi nhà chung” nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của đoàn viên, người lao động.
Cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống 96 năm qua để có đóng góp quan trọng trong phát triển đất nước. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trong bối cảnh mới, hoạt động của tổ chức Công đoàn tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo thiết thực lợi ích đoàn viên, người lao động. Đồng thời, các cấp Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần xây dựng lực lượng sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động và tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định - góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.