Chính trị

Kỷ niệm 79 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2025):Dấu ấn đậm nét trong tiến trình lịch sử dân tộc

Đại tá Đỗ Mạnh Cường - Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự 06/01/2025 - 06:29

Cách đây 79 năm, ngày 6-1-1946, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là mốc son đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới trên đất nước ta.

tuyen-cu.jpg
Một khu vực bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử 6-1-1946. Ảnh: TTXVN

Mốc son chói lọi

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945 mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, thấy rõ tính cấp bách phải củng cố cơ sở pháp lý của nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị sớm tổ chức tổng tuyển cử và ban hành Hiến pháp. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...”. Chính phủ lâm thời quyết định tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày 6-1-1946 để bầu Quốc hội, tiến tới lập Chính phủ chính thức và xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam độc lập.

Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi” quốc dân đi bỏ phiếu. Ngày 6-1-1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định của Điều 56 SL số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư (1/4) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc “Tổng tuyển cử” bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Sự kiện trọng đại này đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Người dân Việt Nam trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ dân chủ cộng hòa. Nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước.

Tầm vóc và ý nghĩa lớn lao

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 là thắng lợi của tinh thần yêu nước, truyền thống giữ vững độc lập, tự do của dân tộc; thắng lợi của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiếp lập trên đất nước Việt Nam; thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Hơn nữa, quá trình hình thành và sự ra đời của Quốc hội là kết tinh của sự lựa chọn đúng đắn, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước với những giá trị phổ quát của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và quy luật phát triển của lịch sử.

Đặc biệt, thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 còn làm thất bại mọi âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực phản động, thù địch, khẳng định Tổng tuyển cử là quyết định sáng suốt, kịp thời của Đảng. Bởi, trong tình thế muôn vàn khó khăn lúc bấy giờ, nếu không phát huy dân chủ để hội tụ ý chí, niềm tin của nhân dân cả nước thì sự nghiệp cách mạng khó có thể thành công. Vì thế, quyết định đó là đúng đắn, khoa học, chứ không phải là sự “liều lĩnh, ăn may” như các thế lực thù địch vẫn tuyên truyền.

Với quyết định Tổng tuyển cử toàn dân, Đảng ta đã giáng một đòn chí mạng vào tính phi nghĩa trong chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất lại dám quyết định tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ và sớm ban bố những sắc lệnh về Tổng tuyển cử”. Điều này cũng góp phần minh chứng rằng quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất, không sợ hy sinh, nguy hiểm, kiên quyết ủng hộ, bảo vệ sự nghiệp cách mạng, trong đó có Tổng tuyển cử, sáng suốt trong bầu cử để giành lấy nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thực tế cho thấy, ngày Tổng tuyển cử thực sự trở thành ngày hội của quần chúng, toàn dân nô nức tham gia, bất chấp sự đe dọa, ngăn trở của bọn phản động ở vùng tự do, cũng như bom đạn của thực dân Pháp ở vùng chúng chiếm đóng. Đó là cuộc biểu dương sức mạnh toàn dân tộc, biểu hiện ý chí, nguyện vọng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ chế độ mới - chế độ Dân chủ Cộng hòa của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lòng yêu nước, ý thức chính trị của người dân dưới chế độ mới đã được phát huy cao độ. Đây là nhân tố quyết định, làm thất bại mọi sự chống phá của kẻ thù và làm nên thắng lợi rực rỡ của Tổng tuyển cử.

Những giá trị còn mãi

Đến nay, trải qua 15 cuộc bầu cử, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đạt được những thành tích nổi bật trong trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Những thành quả đạt được tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Quốc hội trong thời gian tới, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và cử tri, góp phần tích cực, hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó là bài học phải luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; bài học về nhận định, đánh giá đúng tình hình và làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch; bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các mục tiêu chiến lược của cách mạng…

Kỷ niệm 79 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại, tự hào về một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, hiểu rõ hơn những thành tựu của đất nước, những đóng góp to lớn của Quốc hội, đồng thời xác định rõ hơn những việc cần làm trong thời gian tới. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Quốc hội nước ta trong thời gian tới sẽ phát huy những kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 79 năm qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 79 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2025): Dấu ấn đậm nét trong tiến trình lịch sử dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.