Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập huyện Sóc Sơn (5/7/1977 - 5/7/2022): Động lực cho những định hướng mới

Phạm Quang Thanh| 15/07/2022 06:48

(HNM) - Sóc Sơn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời gắn bó mật thiết với các kinh đô cổ của người Việt như: Phong Châu (Phú Thọ), Cổ Loa (Đông Anh) và Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội... Kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, huyện Sóc Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị để sớm trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô.

Cơ sở hạ tầng huyện Sóc Sơn ngày càng khang trang, hiện đại.

Giá trị truyền thống là nền tảng, động lực

Ngày 5-7-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 178/QĐ-CP hợp nhất các huyện theo vùng quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phú. Trong đó, hai huyện Đa Phúc và Kim Anh hợp nhất thành huyện Sóc Sơn. Trải qua một số lần chia tách, sáp nhập địa giới hành chính các xã, thị trấn, đến ngày 1-4-1979, huyện Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phú chuyển về thành phố Hà Nội, hiện nay có 25 xã và 1 thị trấn.

45 năm xưng danh Sóc Sơn, vùng đất này đã trải qua nhiều thăng trầm và đạt được nhiều thành tựu. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phú và thành phố Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn đã phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hướng Sóc Sơn trở thành một đô thị của đất nghìn năm văn hiến.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1996-2000 của huyện Sóc Sơn là 7,4%/năm, tăng lên 9,64% giai đoạn 2015-2020. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn từ 2.079,9 tỷ đồng năm 2000 tăng lên 14.271,2 tỷ đồng năm 2010; đến năm 2021, tăng lên 18.223 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Thu ngân sách năm 1991 của huyện mới đạt 4,9 tỷ đồng thì đến năm 2016 đạt hơn 400 tỷ đồng, năm 2021 đạt hơn 1.451 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, từ 18 triệu đồng/người năm 2010 lên 56,2 triệu đồng/người vào cuối năm 2021.

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ghi nhận nhiều thành tựu mang tính nền tảng. Là huyện đầu tiên của Thủ đô thực hiện công tác dồn điền đổi thửa vào năm 2010, đến năm 2016, Sóc Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này với tổng diện tích 10.845ha, mỗi hộ gia đình có bình quân 2,5 thửa ruộng (giảm bình quân 8,6 thửa). Đặc biệt, sau dồn điền đổi thửa, huyện Sóc Sơn đã phát triển được nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao; xây dựng được 7 thương hiệu tập thể, 8 chuỗi liên kết sản xuất, phát triển được 61 sản phẩm OCOP...

Trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn năm 2010-2020, Sóc Sơn đã bố trí gần 4.420 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến năm 2020 đã có 25 xã về đích nông thôn mới, huyện Sóc Sơn có 9/9 tiêu chí đạt chuẩn của bộ Tiêu chí huyện nông thôn mới. Ngày 6-4-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 546/QĐ-TTg công nhận huyện Sóc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng ghi nhận những bước chuyển tích cực; hệ thống y tế từ huyện đến xã được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị... chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội... đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được thực hiện tốt. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong suốt chặng đường 45 năm qua luôn được chú trọng, củng cố; đồng thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng tình hình mới...

Đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối huyện Sóc Sơn với trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Phát triển Sóc Sơn theo hướng đô thị hiện đại

Truyền thống lịch sử, văn hóa cũng như những kết quả đạt được trong 45 năm thành lập là động lực, tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn phát triển theo hướng đô thị với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra.

Thực hiện nhiệm vụ có tính chất đột phá này, trong giai đoạn 2021-2025, Sóc Sơn xác định tập trung mọi nguồn lực, chủ động thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại... là khâu đột phá với mục tiêu: “Giữ vững các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới và xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”. Huyện tập trung đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng khung, xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị; đồng thời huy động tối đa nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tại 25 xã; phấn đấu đến 2025, có 8 xã nông thôn mới nâng cao và 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Cũng trong giai đoạn này, Sóc Sơn tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Huyện chủ động đề xuất với thành phố đầu tư các trục hướng tâm và các đường vành đai kết nối đồng bộ hệ thống giao thông quốc gia bằng nguồn vốn đầu tư dự kiến 9.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Sóc Sơn sẽ dành 4.200 tỷ đồng đầu tư các dự án hạ tầng khung, gồm: 6 tuyến đường trong khu đô thị vệ tinh, 3 tuyến đường kết nối đô thị vệ tinh với các vùng lân cận, cụ thể: Dự án cải tạo mở rộng quốc lộ 3, hoàn thành đường nối đô thị vệ tinh Sóc Sơn với đường Võ Nguyên Giáp (giai đoạn 1)... song song với ưu tiên lập đề án xây dựng mạng lưới cấp thoát nước trên địa bàn, mục tiêu đến năm 2025, đầu tư các trục cấp thoát nước chính khu vực quy hoạch đô thị.

Để triển khai thực hiện các định hướng lớn với tầm tư duy mới, Sóc Sơn xác định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, do vậy đã tập trung xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi công vụ, làm nòng cốt trong việc hoạch định chính sách, triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển. Để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Sóc Sơn rất cần sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội, các bộ, ngành trung ương, cùng sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là sự đồng thuận, chung sức của mỗi người dân trong mục tiêu chung hướng tới xây dựng Sóc Sơn thành thành phố trong tương lai.

Trong 45 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Sơn đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua và các phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng. Huyện Kim Anh và huyện Sóc Sơn được phong tặng danh hiệu Đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; 18 xã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Trước năm 2010, huyện Sóc Sơn được Chủ tịch nước tặng 3 Huân chương Lao động (hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất). Năm 2012, huyện được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; năm 2017, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2); năm 2021 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba (lần 2).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập huyện Sóc Sơn (5/7/1977 - 5/7/2022): Động lực cho những định hướng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.