Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh

Theo TTXVN| 27/03/2022 21:50

Tối 27-3, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822 - 2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2022).

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Báo Ninh Bình

Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành trung ương.

Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong những năm qua. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (tháng 4-1992 đến nay), từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã phát huy cao độ nội lực, khát vọng vươn lên, đoàn kết, đồng lòng, chung sức đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, thúc đẩy Ninh Bình phát triển về mọi mặt, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sự đổi thay vượt bậc trên quê hương Cố đô Hoa Lư.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Báo Ninh Bình

Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, tỉnh Ninh Bình cần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đặc thù riêng có của mình, nhất là lợi thế vị trí kết nối khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Bắc, nằm trong tứ giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường phát triển bền vững; chú trọng quy hoạch liên kết vùng. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh; xác định động lực phát triển của Ninh Bình là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp ô tô và dịch vụ, du lịch chất lượng cao.

Mặt khác, Ninh Bình phải hết sức chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa cao đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến trong phát triển văn hóa, xây dựng con người; phát triển du lịch; khơi dậy lòng tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho mỗi người con quê hương Ninh Bình trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Tăng cường và tạo chuyển biến thực sự công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo nội dung Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch 03 của Bộ Chính trị. Qua đó, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên; bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo hướng chủ động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc sinh hoạt Đảng và quy chế làm việc. Đồng thời, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, trước hết là người đứng đầu; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung...

Ôn lại truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của mảnh đất Cố đô lịch sử, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho biết, sau 16 năm hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, ngày 1-4-1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình bằng một ý chí mạnh mẽ, một khát vọng lớn lao, đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện.

Việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tốt với nhiều khâu đột phá. Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung thực hiện quyết liệt. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng cao. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo được củng cố vững chắc.

Kinh tế liên tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ hiện chiếm 88,5%. Thu ngân sách đạt gần 22.100 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, là tiền đề để năm 2022 Ninh Bình trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, đầu tàu là liên doanh ô tô Hyundai Thành Công. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với thị trường. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, toàn tỉnh có 98,3% xã đạt chuẩn nông thôn mới, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn Ninh Bình.

Du lịch của tỉnh có bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt, từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đã tạo ra bước đột phá, mở ra cơ hội lớn, đưa du lịch Ninh Bình phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được tỉnh quan tâm, đầu tư. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, hiệu quả; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,44%. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học công nghệ được đặc biệt quan tâm.

Giai đoạn 2015-2020, đầu tư cho sự nghiệp văn hóa chiếm 3,37% tổng chi ngân sách toàn tỉnh; giai đoạn 2021-2025, tỷ trọng chi đầu tư cho các thiết chế văn hóa cấp tỉnh chiếm 20% tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn, đạt mức cao trong cả nước.

Với những thành tích đã đạt được, Ninh Bình vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 3 lần được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; 79 tập thể, 29 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; 1.274 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Những thành quả của 30 năm qua là kết tinh của lịch sử văn hóa, của sự đồng lòng, phấn đấu của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.