Sáng 27-12, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Cơ hội và thách thức" với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học.
Tọa đàm nhằm phân tích, kiến giải, luận bàn về nội hàm, nội dung, cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới.
Tại tọa đàm, PGS.TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương phân tích: Thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều bài phát biểu, bài viết đưa ra thông điệp thể hiện một tư tưởng rất lớn. Đó là nhân dân ta, đất nước ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên tăng tốc bứt phá để đạt mục tiêu đến giữa thế kỷ này trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển thu nhập cao, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thông điệp này, tư tưởng lớn này đã đặt ra yêu cầu nhận thức sâu sắc về kỷ nguyên mới.
Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, trong bối cảnh thế giới có 2 đặc điểm rất đáng chú ý là, toàn cầu hóa vẫn đang diễn ra, là xu thế không thể đảo ngược, dù có thăng trầm, tức xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn rất mạnh.
Đặc điểm thứ hai Tổng Bí thư đã chỉ ra là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn chưa bao giờ gay gắt như bây giờ. Cạnh tranh, đối đầu quyết liệt trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, kinh tế, công nghệ...
Những quốc gia có trí tuệ, có chính sách đối ngoại đúng đắn sẽ có thể tận dụng, tranh thủ được sức mạnh của thời đại trong điều kiện này. Nếu phối hợp hiệu quả, gắn chặt các điều kiện, tiềm lực, thế lực, vị thế, uy tín của chúng ta với thời cơ chiến lược, chúng ta dứt khoát bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc với nhiều thuận lợi.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và một số ý kiến đều cho rằng, đến thời điểm này, cụm từ "kỷ nguyên mới" truyền nhiều cảm hứng, được đảng viên, nhân dân đón nhận.
TS. Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh, về mặt kinh tế, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã thoát khỏi vị trí của một nước nghèo để trở thành nước thuộc nhóm thu nhập trung bình từ những năm 2008-2009. Đó là sự thay đổi rất rõ rệt, thuyết phục.
Thứ hai, thương mại quốc tế từ chỗ gần như bị cô lập trên trường quốc tế, đến nay nước ta đã ký các hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các siêu cường trên thế giới. Điều đó thể hiện sự hội nhập sâu rộng, chủ động, thành công của Việt Nam.
Về mặt xã hội, đến nay nước ta đã xóa đói, giảm nghèo rất thành công, được quốc tế coi là hình mẫu.
Như vậy, có thể nói, trên mọi phương diện: Kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, thương mại quốc tế…, nước ta đều có những bước tiến rất rõ rệt. Tất cả chuyển hóa thành trạng thái, tâm thế để người Việt Nam cảm thấy cần có sự bứt phá, nâng vị thế quốc gia lên một tầm cao mới. Đảng viên, nhân dân đón nhận rất nồng nhiệt, ủng hộ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
TS. Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh, đó chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam. Nội hàm, chủ đề cụm từ "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" rất rõ: Phải vươn lên để bứt phá, phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.