Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ luật tích cực - phương pháp giáo dục có nhiều ưu điểm

Thống Nhất| 19/09/2015 07:59

(HNM) - Trong khóa tập huấn giáo viên chuẩn bị cho năm học mới 2015-2016 của Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam về triển khai dự án


Theo các chuyên gia, đây là phương pháp giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của HS, không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của HS; tạo điều kiện tốt nhất để các em tự giác sửa chữa khuyết điểm, có ý thức tự giác rèn luyện và phấn đấu nhiều hơn. Cùng với phương pháp dạy học lấy HS làm trung tâm và phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực", phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực được coi là phương pháp giáo dục có nhiều ưu thế so với biện pháp kỷ luật HS bằng cách trừng phạt, răn đe, giáo huấn.

Một buổi tập huấn của dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”.


Trong khóa tập huấn 5 ngày, giáo viên của 20 trường tham gia dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" được phổ biến và củng cố kỹ năng áp dụng cách thức kỷ luật HS mang tính tích cực. Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đội ngũ giáo viên được trang bị kiến thức, kỹ năng hình thành, thiết lập nội quy, nền nếp kỷ luật trong nhà trường và lớp học.

Một trong những nội dung được các giảng viên đặc biệt lưu tâm và dành nhiều thời gian để phổ biến cho giáo viên khi áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực là kỹ năng lắng nghe tích cực và chế ngự sự căng thẳng, tức giận. Đây là vấn đề mà hầu hết người lớn, các thầy cô giáo đều đối mặt khi bắt gặp con trẻ, HS ở các tình huống có sai phạm, hoặc làm những việc khiến người lớn không hài lòng.

Thực tế triển khai dự án trong một năm qua cho thấy, đội ngũ giáo viên của 20 trường hưởng thụ dự án đều nhận ra một điều, như nhận định của cô Nguyễn Hải Luyến, Trường THCS Lê Lợi (Hà Đông) là kỷ luật và sự trừng phạt không tạo ra kỹ năng cho HS, không khiến cho HS tự nhìn nhận được khuyết điểm để sửa chữa, mà còn khiến cho các em thiếu tự tin vào giá trị bản thân, ngoài ra còn làm cho mối quan hệ giữa giáo viên và HS thêm căng thẳng. Nếu bị áp lực, bị dồn nén quá mức mà không có sự hỗ trợ, chia sẻ kịp thời, ở các em sẽ nảy sinh tâm lý buồn chán, không muốn phấn đấu rèn luyện, thậm chí tỏ ý chống đối người lớn bằng nhiều hành vi tiêu cực như bỏ học, bỏ nhà sống lang thang… Đây là minh chứng thực tế cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng, thiết thực của việc áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực đối với HS.

Cách đây vài năm, phương pháp kỷ luật tích cực đã được thí điểm đưa vào nội dung hoạt động của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Kết quả nghiên cứu và triển khai thực tế cho thấy đây là phương pháp giải quyết hiệu quả vấn đề giáo dục HS, nhất là những HS có hành vi lệch chuẩn. Tuy nhiên, cho đến nay, nội dung này chưa được nhân rộng, việc áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực đối với HS còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả mong muốn.

"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ luật tích cực - phương pháp giáo dục có nhiều ưu điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.