Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ II: Chưa muộn nhưng cũng chẳng còn sớm

Lê Hoàng Anh - Bảo Lâm| 22/08/2010 07:13

(HNM) - Vài chục năm qua, bản đồ cây xanh ở Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Điều nhìn thấy rõ là số lượng cổ thụ đang hao hụt đáng kể. Năm 2009, một tin vui được loan báo: dự án lập bộ Atlas cổ thụ Hà Nội đang triển khai sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo vệ di sản này.

Cây thị cổ thụ ở đình Chèm (Đông Ngạc, Từ Liêm).


Màu xanh - Một bức tranh tùy tiện
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Nguyên Cương, khi chưa mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có hơn 700 cổ thụ thuộc 72 loài. Còn ở tỉnh Hà Tây cũ thì số lượng cổ thụ trước đây thống kê ra nhiều gấp khoảng hai lần của Hà Nội. Tiêu chí để xác định cổ thụ là cây gỗ từ 100 tuổi trở lên. Như vậy đây là phần di sản có giá trị về lịch sử, văn hóa, gắn liền với đời sống của người Hà Nội qua các thời kỳ.

Đầu năm ngoái tại hội thảo của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, PGS-TS Huỳnh Đăng Hy công bố: "10 năm qua, diện tích cây xanh của Hà Nội đã sụt giảm. Năm 1998 đạt 1,95m2/người, nay (tháng 3-2009) chỉ còn 0,9m2/người, thậm chí tại một số nơi như quận Đống Đa, huyện Gia Lâm, tỷ lệ đó chỉ là 0,05m2". Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do thiên nhiên. Sau mỗi mùa mưa bão, một số lượng lớn cây xanh mà phần nhiều là cổ thụ đã không trụ nổi. Ngay như năm nay, mới qua hai trận bão đầu mùa, Hà Nội có gần 100 cây bị gió quật ngã. Và không thể không nhắc tới hành động tàn phá màu xanh của con người. Thời buổi tấc đất tấc vàng, mặt đường, mặt phố là tiền mặt, đã xảy ra không ít vụ việc người ta bức tử cây bằng nước muối, a xít để đổi lấy không gian kinh doanh. Rồi nạn chặt cây trái phép; săn lùng gỗ quý; đóng đinh, treo biển hiệu, "bó bột" cây bằng đèn trang trí… Mỗi thứ một chút, cây xanh bị "bốc hơi" hoặc sống dở chết dở. Trong bức tranh đó, số lượng cổ thụ của Hà Nội có hao hụt cũng không là điều ngạc nhiên.

Theo ngành chức năng, tại Hà Nội hàng năm phải trồng thêm gần 1.000 cây xanh để thay thế số bị sâu mục, bị chết. Tuy nhiên cái yếu thấy rõ hiện nay là quy hoạch. Dù vẫn có sự kiểm soát, phê duyệt của cơ quan chức năng nhưng có cảm giác cây trên các tuyến phố đang trồng theo kiểu ngẫu hứng. Những hàng muồng hoa vàng với sức sống "phủ xanh đất trống đồi trọc", bằng lăng rợp bóng, rồi hoa sữa ngạt ngào… có vẻ đang chiếm ưu thế do dễ trồng và dễ đạt được mục tiêu số mét vuông cây xanh trên đầu người. Một số kiến trúc sư, nhà nghiên cứu nhận xét, trước đây người Pháp trồng cây trên mỗi phố theo quy hoạch, chọn lựa một, hai loại có ý tưởng rõ ràng. Cụ thể ở Hà Nội, phía Bắc và phía Đông có độ cốt +11,5m, phía Nam là +4,5m, trong khi mực nước sông Hồng thường là +6 và +9m nên phía Bắc thành phố cao hơn nhiều so với phía Nam và phía Nam còn thấp hơn cả đáy sông Hồng. Vì lẽ đó, người Pháp chỉ trồng cây xà cừ ở phía Bắc mà không trồng ở phía Nam bởi ngại rễ cây sẽ thối do đất trũng… Nay cũng có những con đường mới mở, ít nhiều để lại dấu ấn như Kim Mã với hàng bằng lăng, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng với hàng hoa sữa… Tuy nhiên sự hợp lý thì dường như chưa có. Ví như Kim Mã là tuyến đường rộng, trong khi bằng lăng lại là loại cây thấp tán, thích hợp với các phố nhỏ; còn hoa sữa nếu trồng cả một tuyến đường dài với mật độ khoảng dưới 10m/cây thì chắc chắn một lúc nào đó mùi hoa sữa nồng nàn không còn đáng yêu mà khiến người dân vô cùng khổ sở, như bài học từng diễn ra ở TP Lạng Sơn…

Chưa có quy hoạch, thiếu hợp lý, và không phải chỗ nào việc trồng cây cũng được cơ quan chức năng để ý. Tại nhiều khu đô thị mới bê tông hóa dày đặc nhưng mật độ cây xanh thì người dân không biết trách nhiệm thuộc về ai. Thế là chỗ trồng dâu da, chỗ trồng trứng cá, thậm chí cả tre, chuối…, tiện cây gì trồng cây nấy, nhanh có màu xanh cho mát là tốt lắm rồi.

Những công trình vướng chuyện "đầu tiên"
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đến nay chưa có bất cứ một công trình hay một dự án nào nghiên cứu cổ thụ như một di sản văn hóa. Hội Bảo vệ di sản Hà Nội cũng cho biết chưa hề có hồ sơ đề nghị công nhận và bảo vệ đối với di sản là cây xanh.

Ở góc độ sinh vật và môi trường, năm 2006, nhà nghiên cứu Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông môi trường đã nảy ra ý định lập bộ Atlas cổ thụ Hà Nội. Trong hơn 3 năm, ông và nhóm nghiên cứu đã khảo sát, thống kê, thu thập thông tin về hơn 1.000 cây có tuổi đời trên 100 năm tại 14 quận, huyện của Hà Nội cũ, từ đó chọn ra 755 cây tiêu biểu để lập danh mục đưa vào Atlas. Mỗi cây đều có một "lý lịch trích ngang" về tên, xuất xứ (họ, loài), tuổi, đường kính, chiều cao, tán lá, tọa độ GPS, sau đó được đánh dấu trên bản đồ. "Cuốn Atlas có tính khoa học cao, có thể phục vụ cho các nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên và cả ngành du lịch, người dân. Đây là công trình mà nhóm nghiên cứu muốn dành tặng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", ông Nguyễn Nguyên Cương cho biết.

Tuy nhiên, ngoài vài cuốn in để nộp báo cáo, bộ Atlas vẫn chưa thể phát hành rộng rãi vì quá thiếu kinh phí. Theo ông Nguyễn Nguyên Cương, điều tra, khảo sát, lập bản đồ cây cổ thụ trên địa bàn 14 quận, huyện là một khối lượng công việc rất lớn, chỉ tính riêng tiền mua bản đồ của hơn 200 xã, phường đã tới 50-60 triệu đồng. Dự kiến kinh phí của dự án trong 3 năm 2006-2009 là 670 triệu đồng nhưng đến hết 2009 mới được cấp 400 triệu. Quá eo hẹp nên mặc dù dự án đã được nghiệm thu, đánh giá xuất sắc nhưng vẫn đành "áo gấm đi đêm". Để phát hành khoảng 1.000 cuốn cần kinh phí 200 triệu đồng, số tiền không lớn, song trung tâm chưa biết xoay vào đâu.

Tương tự là dự án điều tra thông tin dữ liệu và xây dựng bộ mẫu tiêu bản sinh vật vườn Bách thảo, để biến nơi này thành một "bảo tàng thực vật" của Hà Nội do GS Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ đời sống (Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam) làm chủ nhiệm. Đã được thành phố chấp thuận nhưng nó chưa được cấp đủ kinh phí. Hiện GS Dương Đức Tiến vẫn cùng một nhóm 10 nhà khoa học từng bước thực hiện bằng tiền của các cá nhân và... đi vay.

Không sớm nhưng chưa muộn
Trong đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mà Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman - Posco E&C - JINA) vừa báo cáo Chính phủ và UBND TP Hà Nội, sẽ có tới 62% diện tích Thủ đô là khoảng xanh, bao gồm cây xanh, mặt nước sông hồ... Rõ ràng, cây xanh chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân cũng như làm đẹp đô thị. Trong tổng thể lớn đó, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, phải nhanh chóng xây dựng và triển khai quy hoạch trồng mới các loại cây để Hà Nội thực sự là Thủ đô xanh, bền vững. TS Nguyễn Ngọc Sinh nhấn mạnh, trồng cây gì trên từng tuyến phố cần được nghiên cứu kỹ để vừa tạo cảnh quan môi trường đô thị, vừa tạo sự thống nhất quản lý.

Tháng 6 vừa qua, UBND TP Hà Nội chính thức duyệt chi 2,3 tỷ đồng cho Sở Xây dựng để lập quy hoạch hệ thống cây xanh, vườn hoa và hồ đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch này nhằm đánh giá đúng tiềm năng, hiện trạng hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, hồ, mặt nước, xây dựng phương án quy hoạch khoa học và khả thi, làm cơ sở tổ chức quản lý, đầu tư phát triển theo từng giai đoạn. Cũng bắt đầu từ tháng 6-2010, quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố có hiệu lực. Theo đó, nếu tổ chức hay cá nhân nào tự ý chặt hạ, di dời cây xanh; đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây trong khu vực đô thị sẽ bị phạt hành chính từ 10 đến 15 triệu đồng. Thậm chí nếu trồng cây xanh trên hè, trên dải phân cách, đường phố, nút giao thông không đúng quy định; trồng các loại cây trong danh mục cấm, danh mục hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép cũng sẽ bị xử phạt mức này…

Từ ngày 1-7-2010, một nghị định mới của Chính phủ cũng chính thức có hiệu lực, nêu rõ, khi xây dựng khu đô thị mới, chủ đầu tư phải bảo đảm quỹ đất trồng cây xanh theo đúng tiêu chuẩn quy hoạch đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, đường đô thị phải trồng cây xanh đồng bộ với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Cây xanh được trồng phải đúng chủng loại, tiêu chuẩn theo quy hoạch chi tiết khu đô thị mới đã được phê duyệt…

Một loạt các văn bản nêu trên cho thấy giá trị của cây xanh trong đời sống đô thị của Hà Nội nói riêng cũng như đối với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước nói chung đang dần nhận được sự quan tâm đúng mức. Tại thời điểm này, việc có một quy hoạch tổng thể về màu xanh đô thị cũng như tạo ra một hành lang pháp lý cần thiết để xây dựng và bảo vệ bức tranh toàn cảnh đó có thể là không sớm nếu so với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên vẫn là chưa muộn khi chúng ta đang trong quá trình đô thị hóa và trước ngưỡng cửa Hà Nội tròn nghìn năm tuổi, chúng ta vẫn còn niềm tự hào khi đang sở hữu một phần di sản màu xanh đã tồn tại từ hàng trăm năm qua. Do đó yếu tố đồng bộ về hạ tầng cơ sở (trong đó có việc bảo tồn, duy trì, trồng mới cây xanh) là hết sức cần thiết vì sự phát triển bền vững của tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ II: Chưa muộn nhưng cũng chẳng còn sớm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.