Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kịp thời đưa nguồn vốn đến với người dân

Đỗ Minh| 02/05/2020 06:23

(HNM) - Thành phố Hà Nội vừa bổ sung 650 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay hỗ trợ các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để nguồn vốn này kịp thời đến với người dân, ngân hàng sẽ tập trung giải ngân nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội... Đó là khẳng định của Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam kiêm Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh với phóng viên Báo Hànộimới.

Giải ngân vốn vay cho khách hàng tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Sơn Hà

- Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, đối tượng chính sách, các hộ sản xuất nhỏ... Bà có thể cho biết rõ hơn về tình hình và nhu cầu vay vốn của các đối tượng này?

- Đối tượng vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội là những hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Họ dễ gặp rủi ro, tổn thất trước những biến động như tình hình dịch bệnh hiện nay. Thời điểm hiện tại, nhiều hộ buôn bán nhỏ đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, có trường hợp phải tạm dừng kinh doanh, không có nguồn thu, nhiều lao động tạm thời không có việc làm; các làng nghề và lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Do vậy, nhiều hộ gia đình cần nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát...

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình các hộ vay vốn tín dụng chính sách bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Qua rà soát tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, tổng số đối tượng bị ảnh hưởng lên đến hơn 30.000 hộ, trong đó, đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn là gần 24.000 hộ.

- Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1498/QĐ-UBND về việc bổ sung nguồn vốn 650 tỷ đồng từ ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội để cho vay hỗ trợ các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19. Bà đánh giá thế vào về quyết định này?

- Theo tôi, đây là một quyết định rất kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, các hộ dân gặp nhiều khó khăn... Nguồn vốn tín dụng chính sách nhận ủy thác của UBND thành phố được giải ngân tới người nghèo, người bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 sẽ giúp người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

- Vậy, bà có thể cho biết về kế hoạch giải ngân nguồn vốn trên để các đối tượng có được sự hỗ trợ kịp thời?

- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu với UBND thành phố ban hành quyết định phân bổ nguồn vốn 650 tỷ đồng về các quận, huyện, thị xã để kịp thời giải ngân. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác hướng dẫn làm hồ sơ giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm mang lại hiệu quả cao nhất.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội hướng dẫn nghiệp vụ về vấn đề trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Về đối tượng, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay theo thứ tự ưu tiên: Thứ nhất là các hộ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Thứ hai là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố. Thứ ba là các đối tượng chính sách khác. Thứ tư là các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng thu hút lao động.

Về ngành nghề cho vay, sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm, y tế cho người dân và các ngành nghề dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn.

- Bên cạnh sự hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội còn có những hoạt động hỗ trợ nào khác cho các đối tượng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thưa bà?

- Có thể nói, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hộ nghèo, đối tượng chính sách cũng như các hộ sản xuất quy mô nhỏ. Luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn với các đối tượng này, ngoài sự hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, khoanh nợ tùy theo mức độ thiệt hại về vốn và tài sản... Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai cho vay bổ sung đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách để khôi phục sản xuất kinh doanh.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân cho hơn 27.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế với số tiền hơn 1.100 tỷ đồng. Đặc biệt, để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 ngân hàng đã gia hạn nợ, giãn nợ cho trên 8.000 trường hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kịp thời đưa nguồn vốn đến với người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.