(HNM) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga. Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, quyết định này của Mỹ dẫn tới nhiều lo ngại về những ảnh hưởng sâu rộng với kinh tế toàn cầu và đem lại nhiều rủi ro hơn cho các thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Động thái mới diễn ra sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua hai dự luật với nhất trí cao, bao gồm chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Bước đi lần này của Washington cũng nằm trong sự nhất trí chung với đồng minh Nhật Bản và các thành viên trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về việc tiến tới tước quy chế "tối huệ quốc" (MFN) của Nga.
Quy chế Tối huệ quốc - có cách gọi khác là Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) - là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại và được áp dụng trong 164 thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo quy chế, một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau. Điều này đồng nghĩa một quốc gia sẽ được hưởng các mức thuế thấp nhất, ít rào cản thương mại nhất và hạn ngạch nhập khẩu cao nhất với các đối tác. Hiện nay không có thủ tục chính thức về đình chỉ quy chế Tối huệ quốc, mà các nước có thể đơn phương tiến hành. Thực tế, năm 2019, Ấn Độ từng đình chỉ quy chế này của Pakistan.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, luật mới được Mỹ ban hành là tín hiệu rõ ràng về việc Washington sẽ sớm tăng thuế đối với các sản phẩm của Nga. Mức thuế trung bình tới đây được dự báo sẽ khoảng 30%, tức cao gấp 10 lần so với con số 3% hiện nay. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng cách làm này chủ yếu mang tính biểu tượng, bởi Mátxcơva chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Washington, với kim ngạch thương mại hai chiều vào khoảng 28 tỷ USD/năm. Trong khi đó, lệnh cấm mà Mỹ ban hành tháng trước đối với việc nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga đã loại bỏ khoảng 60% hàng nhập khẩu của Mỹ từ Nga. Những mặt hàng lớn khác còn lại như nhôm, thép… không khó để tìm nguồn thay thế, còn đồng hồ, ô tô, quần áo và một số sản phẩm xa xỉ khác đã bị Mỹ cấm xuất khẩu sang Nga từ trước.
Trong khi đó, việc tước “Tối huệ quốc” với Nga được đánh giá sẽ đem lại nhiều rủi ro hơn cho các thành viên Liên minh châu Âu (EU), bởi khối này là đối tác thương mại lớn của xứ Bạch dương. Năm 2020, Nga đã bán khoảng 95,3 tỷ euro hàng hóa cho các nước EU, trong đó hơn 70% là nhiên liệu và sản phẩm khai thác mỏ. Ngoài ra, việc cho phép bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ của nhau được giới phân tích cảnh báo sẽ đem lại nhiều hệ lụy nguy hiểm cho quan hệ thương mại EU - Nga. Đối với Anh, việc tăng thuế tuy không tác động lớn tới nguồn cung năng lượng, nhưng sẽ ảnh hưởng tới nhiều hàng hóa nhập từ Nga, dẫn tới chi phí tiêu dùng tăng lên.
Theo giới quan sát, động thái tước quy chế “tối huệ quốc” sẽ gia tăng sự cô lập của nền kinh tế Nga, nhất là khi nước láng giềng của Nga là Belarus cũng nằm trong phạm vi tác động. Bình luận về diễn biến này, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Mátxcơva có sự chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt và hiện đã ổn định kinh tế về mặt vĩ mô. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, đồng rúp đã mạnh lên sau những dự đoán mất giá và cán cân thanh toán hiện nay của Nga đang thặng dư mạnh.
Trên tất cả, những rào cản quan hệ thương mại quốc tế nảy sinh lần này chắc chắn sẽ tiếp tục đè nặng lên kinh tế thế giới, vốn đang gồng mình chống chọi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên vật liệu do đại dịch Covid-19 và tình trạng phong tỏa tại Trung Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.