(HNM) - Quý II được đánh giá là giai đoạn khả quan cuối cùng của kinh tế châu Âu trước một cuộc suy thoái diễn ra trong ít nhất hai quý còn lại trong năm 2022. Rủi ro hiện hữu này bắt nguồn từ lạm phát tăng cao trong khi nguyên liệu thô phục vụ sản xuất ngày càng khan hiếm.
Thực tế, hoạt động kinh tế châu Âu trong tháng 8-2022 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh lạm phát leo thang do ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine. Thực trạng này thể hiện rõ nét qua chỉ số quản lý thu mua (PMI) khu vực đồng euro (eurozone) mà Công ty Tài chính quốc tế S&P vừa công bố, giảm từ 49,9 trong tháng 7 xuống 49,2 trong tháng 8, thấp nhất trong 18 tháng qua.
Đà sụt giảm khởi đầu từ ngành sản xuất, một phần do nguồn cung nguyên liệu thô bị hạn chế, giờ đây đã lan sang các ngành dịch vụ. Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), đồng euro ngày 23-8 cũng giảm giá xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua, khi 1 euro chỉ đổi được 0,9901 USD.
Các chuyên gia cho rằng, sản lượng hàng hóa sụt giảm là thực tế mà các doanh nghiệp châu Âu, trong các lĩnh vực từ sản xuất vật liệu cơ bản, đến du lịch, bất động sản, đều đang trải qua. Hàng tồn kho của các nhà sản xuất cũng đang ở mức kỷ lục, đồng nghĩa hoạt động sản xuất sẽ không sớm tăng trưởng trở lại trong tương lai gần. Các đợt bùng phát Covid-19 gần đây cũng gây xáo trộn thêm tình hình kinh tế, trong khi sự phụ thuộc về nguyên liệu thô đối với Trung Quốc có thể khiến Liên minh châu Âu (EU) đau đầu, đặc biệt là khi nền kinh tế số một châu Á đã có kế hoạch giảm xuất khẩu các nguyên liệu quan trọng trong vòng 5 năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa.
Trong khi đó, do phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng của EU là thách thức lớn đối với sự phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh Mátxcơva đang mạnh tay cắt giảm nguồn cung. Sau chuyến công du của Thủ tướng Đức Olaf Schrolz tới Canada, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tháng 9 này cũng sẽ thăm đất nước lá phong để tìm giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng. Ngoài ra, nhiều nước ở Lục địa già đã tìm cách khởi động lại nhà máy điện than và khuyến khích sản xuất điện than, bất chấp thực tế sự "hồi sinh" này cản trở quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Tân Hoa xã cho biết, EU hồi tuần trước cũng đã yêu cầu các nước thành viên giảm năng lượng tiêu thụ để giảm thiểu rủi ro.
Trước thực tế nhiều khó khăn, các ý kiến cho rằng, thời gian còn lại của năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp thuộc eurozone chống chọi với sự sụt giảm, chủ yếu là tìm cách duy trì hoạt động sản xuất thông qua khai thông nguồn cung năng lượng và nguyên liệu. Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu hiện nay. Sự bi quan cũng xuất hiện trong con mắt giới chuyên môn. Không chỉ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Âu năm 2022, Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs còn dự đoán, kể cả khi Nga không cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng, cuộc suy thoái kỹ thuật kéo dài hai quý liên tiếp với mức tăng trưởng âm sẽ xảy ra ở eurozone.
Về phần mình, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 của bốn nền kinh tế hàng đầu EU là Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha, trong khi The Economist dự báo suy thoái ở châu Âu không chỉ diễn ra trong mùa đông 2022-2023 mà sẽ cả mùa đông 2023-2024.
Giờ là lúc châu Âu cần sớm có được phương án tháo gỡ các nút thắt, nhằm khôi phục hoạt động sản xuất. Đây có lẽ cũng là lối thoát khả dĩ nhất bởi Lục địa già đang khó xử về triển khai các công cụ tài chính, khi tăng lãi suất mạnh có thể làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế và nguy cơ khủng hoảng nợ giữa các thành viên eurozone.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.