(HNM) - Năm Nhâm Thìn 2012, Hà Nội sẽ triển khai hàng trăm dự án và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thu hồi đất có ý nghĩa quyết định. Làm sao để hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước, doanh nghiệp (DN)? Làm sao để các dự án triển khai suôn sẻ?
Dự án Nhà ga T2 sân bay Nội Bài đã có quỹ đất sạch để triển khai. Ảnh: Hiền Lương
Những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn, tới sân bay quốc tế Nội Bài, bên cạnh nhà ga T1 giờ đã quá tải với ngổn ngang, chen chúc hàng chục máy bay dừng, đỗ, chuẩn bị cất cánh... là một ''mặt bằng sạch'' phẳng phiu của Nhà ga T2 chuẩn bị được thi công. Không thể ngờ được khi chỉ cách đây hơn 1 năm, nơi này từng là ''tâm điểm'' cho hàng loạt khiếu kiện vượt cấp xung quanh công tác GPMB. Bởi, bên cạnh những thắc mắc xung quanh mức giá đền bù GPMB, còn có những vấn đề hệ trọng hơn liên quan đến yếu tố tâm linh.
Gỡ "nút thắt" bằng chính sách
Dự án Nhà ga T2 sân bay Nội Bài đã được dư luận cả nước quan tâm nhiều năm nay không chỉ vì vai trò, ý nghĩa của nó đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô mà còn vì tiến độ triển khai dự án quá chậm. Vướng mắc chính là GPMB thu hồi gần 900.000m2 đất trên địa bàn huyện Sóc Sơn, trong đó phần lớn nằm trên địa bàn xã Phú Cường. Quyết định thu hồi đất có từ tháng 7-2008, có thêm thuận lợi vì chủ yếu là đất nông nghiệp, nhưng mãi đến năm 2011, công tác GPMB vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Khó khăn hàng đầu là việc GPMB đã "vắt qua" hai chính sách bồi thường, hỗ trợ khác nhau. Theo quy định cũ, mỗi sào ruộng, người dân được đền bù 67 triệu đồng và một số khoản hỗ trợ khác. Nhiều hộ gia đình đã nhận tiền đền bù theo quy định này và bàn giao mặt bằng. Nhưng đến tháng 9-2009, khi Hà Nội thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ, mức đền bù tăng lên, mỗi sào ruộng được đền bù trên 230 triệu đồng. Mức chênh lệch quá lớn giữa những người nhận tiền đền bù trước và sau đã làm nảy sinh một câu hỏi: "Tại sao tôi tốt, tôi nhận tiền và giao mặt bằng sớm lại bị thua kém so với người chây ì nhận tiền và giao đất muộn?".
Bất bình vì sự khác biệt chính sách như vậy, nhiều người dân đã hoàn tất việc bàn giao mặt bằng thời điểm trước đó làm đơn khiếu nại. Tình hình còn phức tạp hơn, khi cuối năm 2009, hàng trăm người dân ở thôn Thụy Hương tập trung cùng băng rôn, biểu ngữ đòi hỏi quyền lợi. Ông Nguyễn Văn Huynh, Phó Chủ tịch UBND, kiêm Tổ trưởng Tổ công tác GPMB Nhà ga T2 của xã Phú Cường là người lăn lộn từ khi khởi sự việc GPMB dự án, vẫn còn ấn tượng mãi những ngày khó khăn đó: "Lúc đó tình hình rất phức tạp, chúng tôi phải căng ra để thuyết phục bà con". Chẳng thể nào "nói suông" được với người dân nên các cấp chính quyền đã đề nghị Chính phủ cho cơ chế đặc thù, bù giá theo Nghị định 69 cho những hộ đã nhận tiền trước đó. "Thật là may, vì Chính phủ đã chấp thuận đề nghị này. Chúng tôi như trút được gánh nặng" - ông Huynh nhớ lại.
Cuối cùng thì vướng mắc về chính sách đã được gỡ bằng chính sách. Nhưng có một câu hỏi đặt ra, đây là câu chuyện của không biết bao nhiêu dự án kéo dài nhiều năm nay, nhưng không hiểu sao, các bộ, ngành chức năng vẫn chưa có được biện pháp khắc phục. Mỗi dự án lại được giải quyết một kiểu, nhiều dự án vẫn trong tình trạng "đắp chiếu". Chính phủ sẽ phải ra quyết định cho cơ chế đặc thù kiểu nhà ga T2 đến bao giờ?
Huy động tổng lực
Gỡ được một nút thắt quan trọng về chính sách, nhưng bước vào năm 2011, dự án Nhà ga T2 vẫn còn một "nút thắt" cực kỳ khó gỡ ở xã Phú Cường: 41 ngôi mộ chưa di chuyển được, trong đó có 16 ngôi chưa cải táng (chưa đủ 3 năm). Dân ta thường rất sợ "động mồ động mả", nhất lại là mộ "tươi". Nếu đợi tất cả mộ đủ 3 năm mới di chuyển thì dự án Nhà ga T2 sẽ chậm thêm gần 3 năm nữa. "GPMB, di chuyển mộ chưa có tiền lệ, nên chủ yếu là phải dùng biện pháp thuyết phục" - ông Trần Đức Hiền - Trưởng ban GPMB huyện Sóc Sơn cho biết.
Huyện Sóc Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc gỡ bằng được "nút thắt" cuối cùng này. Ngoài việc vận dụng tối đa những cơ chế hỗ trợ cho người dân, 3 tổ công tác đã được tổ chức để "đi từng nhà, rà từng người", phân tích cụ thể từng trường hợp để tìm cách thuyết phục. Đợt vận động tập trung liên tục trong vòng 1 tháng (trong tháng 9, tháng 10-2011), cán bộ, đảng viên đã đi đầu, tận dụng tối đa mối quan hệ họ hàng, thân quen. "Là người ở Phú Cường, cá nhân Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Nguyệt cũng đã vào cuộc vận động họ, hàng nhà mình trước để làm gương. Chúng tôi tập trung thuyết phục và tranh thủ sự ủng hộ của những người có uy tín, nhất là những trưởng tộc, trưởng cành để thuyết phục các hộ dân"- ông Trần Đức Hiền kể. Nhiều trường hợp, cán bộ huyện còn phải tìm hiểu thân nhân của các gia đình đang làm việc ở xa để "nhờ cậy" gọi điện về thuyết phục gia đình. Chuyện thắp hương, cúng bái, mời người làm lễ… hay những việc phức tạp nhất, tổ công tác đều thực hiện cẩn thận để người dân yên tâm.
Bước đột phá đã đến bởi chính những trường hợp tưởng chừng khó thuyết phục nhất: Hai trường hợp mộ người chết trẻ. Trong đó, có trường hợp, trong khi đang vận động di chuyển mộ con thì ông bố hấp hối. Đến khi gia đình đồng ý cho di chuyển thì người bố qua đời. Theo quan niệm, trong những trường hợp như thế, phải đợi 3 năm cải táng xong cho bố thì mới được di chuyển mộ con. "Lúc đó, một cuộc "chạy đua" thực sự đã diễn ra. Chúng tôi huy động tổng lực vận động để di chuyển mộ người con ngay trong ngày để kịp đưa cả bố và con về nơi mới và đã thành công" - ông Trần Đức Hiền nhớ lại. Sau khi thuyết phục xong 2 trường hợp đầu tiên, vướng mắc coi như đã được khơi thông, các gia đình khác dần dần đều đồng ý di chuyển mộ. Đến nay, toàn bộ mặt bằng Nhà ga T2 đã được bàn giao, khép lại hành trình thu hồi đất với nhiều cung bậc cảm xúc. Chúng tôi tâm niệm, những gì đã nói, đã hứa với dân phải thực hiện bằng được. Và khi nào làm được như vậy mới thành công.
Không lâu nữa, sân bay Nội Bài sẽ mở rộng quy mô, rộng lớn và hiện đại hơn. Nhưng có lẽ, những người đã từng tham gia GPMB cho dự án sẽ không bao giờ quên được những ngày tháng nhọc nhằn đã qua, trong đó có những kinh nghiệm cực kỳ quý giá về công tác GPMB.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.