Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh nghiệm vượt qua phỏng vấn vòng 2

Nguyễn Lý| 02/12/2022 12:51

Phỏng vấn vòng 2 là lúc nhà tuyển dụng thử thách bạn ở những nội dung chuyên sâu, trao đổi những vấn đề sát sườn với công việc. Cũng vì thế, thường người quản lý trực tiếp sẽ thực hiện buổi phỏng vấn. Do đó, ứng viên cần có cách tiếp cận khác với vòng phỏng vấn đầu tiên.

Vậy làm thế nào để vượt qua phỏng vấn vòng 2 khi tham gia tuyển dụng nhân sự tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…? Dưới đây là một số kinh nghiệm hữu ích mà CareerLink muốn chia sẻ với bạn. 

Xem xét lại phỏng vấn lần trước

Phỏng vấn vòng đầu đã xong nhưng bạn không nên bỏ qua một bên. Bạn cần nhớ lại chi tiết của buổi phỏng vấn đó. Trước hết là để rút kinh nghiệm cho những điều thể hiện chưa tốt, sau đó là xem xét lại các câu hỏi còn dang dở mà nhà tuyển dụng có thể tiếp tục khai thác ở lần phỏng vấn tới và quan trọng hơn là tìm ra điểm mà họ coi trọng nhất. 

Nhà tuyển dụng tập trung vào điểm gì thì bạn xoáy vào nội dung đó để chuẩn bị. Từ đó, bạn sẽ biết cách để cân bằng giá trị bản thân với giá trị doanh nghiệp để khẳng định bạn là sự lựa chọn phù hợp nhất.

Tìm hiểu sâu hơn về công việc, công ty

Nếu vòng phỏng vấn đầu, bạn chỉ cần biết một số điểm cơ bản về doanh nghiệp như quy mô, hoạt động thì phỏng vấn vòng 2, bạn cần tìm hiểu sâu về điều lệ, quy định, quy chế làm việc… Thậm chí, bạn nên xem xét kỹ các yêu cầu liên quan tới công việc, nghiên cứu về phòng, ban bạn trực tiếp làm việc nếu trúng tuyển. 

Bởi ở vòng này, nhà tuyển dụng sẽ trao đổi, thỏa thuận với ứng viên về cách thức làm việc. Họ cũng khắt khe trong yêu cầu chất lượng câu trả lời. Do đó, bạn cần nắm chắc các khía cạnh trên để chủ động đàm phán và giành lợi thế.

Bạn hãy khai thác tối đa các thông tin của công ty trên website, trên nền tảng mạng xã hội. Bạn có thể nhờ vào mối quan hệ với nhà tuyển dụng lần đầu để có thông tin cụ thể về doanh nghiệp.

Đưa ra câu trả lời rõ ràng 

Ở vòng phỏng vấn đầu, bạn có thể mập mờ một số điểm. Nhưng phỏng vấn vòng 2, các câu trả lời cần rõ ràng, thậm chí ngắn gọn “có” hoặc “không”, sau đó bạn đưa ra lý giải cho lựa chọn đó. 

Sự mập mờ có thể dẫn tới hiểu lầm, thậm chí nhà tuyển dụng sẽ lợi dụng nó gây bất lợi cho bạn trong đàm phán tiếp theo. Vì thế, hãy bình tĩnh, dành thời gian suy nghĩ và đưa ra câu trả lời dứt khoát. Tất nhiên dứt khoát nhưng bạn cần tỏ rõ thiện chí, sự nhiệt tình với cơ hội nghề nghiệp này.

Để làm được điều đó, bạn phải hiểu giá trị bản thân, khả năng đóng góp cho doanh nghiệp và thể hiện để nhà tuyển dụng thấy.

Đặt thêm câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Phỏng vấn vòng 2 là cơ hội để bạn được hỏi. Bạn hãy làm rõ bất kỳ điều gì còn nghi ngại về doanh nghiệp, về công việc. Ví dụ như, quy định thời gian nghỉ, không gian làm việc, làm thêm giờ, lộ trình thăng tiến… 

​Những câu hỏi này chứng tỏ sự nghiêm túc của bạn với công việc. Hơn nữa, đó cũng là cơ hội để bạn được gặp những cá nhân khác trong doanh nghiệp, giúp bạn chứng minh thêm năng lực. Do đó, đừng ngại hỏi nhưng cũng đừng quá tò mò về những vấn đề nội bộ. 

Không nhìn vào con số trong đàm phán lương

Bạn thường rất lo lắng khi đàm phán lương. Đưa con số quá thấp thì sợ bị “hớ” còn đưa mức quá cao thì cơ hội việc làm lại trôi mất.

Để không gặp tình trạng đó, bạn cần tìm hiểu trước mức lương nhà tuyển dụng đã trả cho nhân sự cùng vị trí. Khi có thông tin, cộng với đã hiểu rõ giá trị bản thân, đánh giá đúng vai trò của bạn trong mắt nhà tuyển dụng, bạn sẽ biết đưa ra mức lương hợp lý. Tất nhiên con số bạn đưa ra cần bảo đảm không quá cao so với mức lương trước đó nhà tuyển dụng đã chi trả.

Nhưng bạn có thể gia tăng quyền lợi ở mục đàm phán về cơ chế thưởng, về lộ trình thăng tiến, về chế độ, môi trường làm việc… 

Vui vẻ với kết quả 

Có thể bạn nhận kết quả ngay trong buổi phỏng vấn lần 2. Nếu đề nghị chưa thỏa mãn, bạn hãy xin thêm thời gian suy nghĩ. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận và bạn phải dừng lại thì hãy thể hiện sự lạc quan và không quên dành lời cảm ơn tới nhà tuyển dụng.

Nếu lộ trình phỏng vấn còn tiếp tục thì thư cảm ơn cần được gửi sớm. Trong đó, bạn thể hiện sự thú vị với những vấn đề trao đổi trong buổi phỏng vấn và chờ đợi cho lần gặp gỡ tiếp theo. Nếu bạn thấy cần chứng minh thêm giá trị bản thân thì đây là cơ hội tốt.

Chắc chắn với kinh nghiệm trên, phỏng vấn vòng 2 sẽ không còn làm khó bạn. Thậm chí nó chính là cơ hội để khẳng định giá trị bản thân, đạt được kết quả đàm phán có lợi cho mình. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm vượt qua phỏng vấn vòng 2

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.