Tổng Công ty Vinaconex kinh doanh lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhất là các dự án nhà ở và khu chung cư từ rất sớm.
Trung Hòa - Nhân Chính, khu đô thị kiểu mẫu của thị trường BĐS Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy
Năm 1999, Vinaconex đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội cho phép làm chủ đầu tư dự án khu đô thị mới (KĐTM) Trung Hòa - Nhân Chính, với quy mô hàng chục tòa nhà chung cư cao 17-34 tầng, chiếm tỷ lệ 60% toàn dự án; trong đó, các tầng hầm được liên thông làm bãi đỗ xe tĩnh. Đây là dự án chưa có tiền lệ vào lúc đó ở các KĐTM Hà Nội. Vì vậy, nhiều người không khỏi hoài nghi về tính khả thi của dự án này. Thời điểm đó, khái niệm nhà chung cư cao tầng, hiện đại còn xa lạ với người dân Thủ đô cũng như cả nước. Người dân quen sống trong ngôi nhà thấp tầng. Trong khi đó, thị trường BĐS mới manh nha và trầm lắng. Nhiều câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo Tổng Công ty lúc đó: Đơn vị nào có khả năng tư vấn thiết kế? Tổng Công ty lấy vốn ở đâu để đầu tư? Làm thế nào để quản lý một dự án lớn như vậy? Ai sẽ mua những căn hộ chung cư sau khi làm xong? Quản lý khu đô thị như thế nào? Hàng loạt khó khăn, thử thách, song lãnh đạo Tổng Công ty vẫn quyết tâm triển khai dự án với mong muốn tạo ra sự đột phá trong tư duy định hướng thị trường BĐS. Để trả lời từng câu hỏi trên, Tổng Công ty đã thành lập nhóm thiết kế do các kiến trúc sư nhiều kinh nghiệm và kiến thức quốc tế chủ trì. Đồng thời, Tổng Công ty thành lập ban quản lý dự án trực thuộc chủ đầu tư, lựa chọn các đơn vị tinh nhuệ của Tổng Công ty, như Vinaconex Xuân Mai, Vimeco, Vinaconex 1-2-3… đảm nhận thi công. Tại dự án này, Tổng Công ty đã áp dụng công nghệ trượt lõi nhà cao tầng của Áo và công nghệ bê tông ứng suất trước tiền chế của Bỉ để đẩy nhanh tiến độ dự án, tiết kiệm chi phí đầu tư. Sau khi hoàn thiện dự án, trước khi bàn giao căn hộ cho khách hàng, Tổng Công ty đã thành lập đơn vị dịch vụ quản lý, vận hành, bảo vệ, trông giữ xe… Khi khách hàng nhận nhà vào ở, Tổng Công ty đã chủ động trong việc quản lý đô thị, tạo lập môi trường sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Với cách triển khai đó, Trung Hòa - Nhân Chính nhiều năm qua trở thành KĐTM kiểu mẫu trên thị trường BĐS Hà Nội, thu hút quan tâm, mong muốn đến ở của nhiều hộ gia đình. Qua dự án này, thương hiệu Vinaconex trên thị trường BĐS được khẳng định.
Cùng với dự án Trung tâm Thương mại Tràng Tiền năm 1998, Vinaconex tiếp tục triển khai dự án KĐTM Bắc An Khánh quy mô 267ha tại Hoài Đức năm 2003; dự án cụm nhà ở hỗn hợp N05 đông nam Trần Duy Hưng năm 2008. Hiện tại, Vinaconex hợp tác với Tập đoàn Viettel đầu tư KĐTM Tây Mỗ, Đại Mỗ (Từ Liêm) quy mô 220ha; hợp tác với Tổng Công ty UDIC và Công ty CP Phát triển đô thị Mai Linh nghiên cứu dự án KĐTM trên địa bàn huyện Từ Liêm để tạo quỹ đất cho dự án khu liên cơ quan TP Hà Nội quy mô 97ha…Tại Đà Nẵng, Vinaconex vừa khởi công dự án KĐTM Nam cầu Trần Thị Lý do Tổng Công ty trực tiếp là chủ đầu tư. Tại TP Hồ Chí Minh, Vinaconex có các dự án đối ứng tạo vốn xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Sau cổ phần hóa, thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2015 do tư vấn Credit Suisse (Thụy Sĩ) đề xuất, BĐS cùng với xây dựng là hai lĩnh vực kinh doanh chính, trọng yếu cho sự phát triển lâu dài của Vinaconex...
Liên quan đến chủ trương tăng tỷ lệ nhà chung cư trong những năm tới, Vinaconex đề xuất xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chủ đầu tư theo quy mô dự án để chọn lọc những chủ đầu tư mạnh, có năng lực, đem lại hiệu quả và lợi ích cho xã hội; tăng cường rào cản hạn chế việc gia nhập thị trường một cách quá dễ dãi, tạo ra sự cạnh tranh thiếu bình đẳng. Với dự án nhà ở xã hội, cần cụ thể hóa biện pháp hỗ trợ DN và xem xét lại tiêu chí mua nhà xã hội. Hiện nay, người mua nhà phải có thu nhập hằng tháng dưới mức bình quân theo quy định của UBND tỉnh, thành phố. Nếu đạt tiêu chí này, hộ gia đình chỉ nên thuê nhà thay vì mua nhà. Để phù hợp hơn với thực tế, nên xã hội hóa nhà ở theo 3 dạng: nhà cho thuê dành cho người có thu nhập trung bình thấp; nhà thuê - mua dành cho người có thu nhập trên trung bình, có khoản tiết kiệm đủ khả năng chi trả tiền nhà sau một thời gian; nhà được mua dành cho người có năng lực tài chính và phải chứng minh được lúc mua nhà (như có sổ tiết kiệm, tài khoản trong ngân hàng).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.