Sau phiên đấu giá bán cổ phần ra ngoài của Nhà máy Thiết bị bưu điện Postef (Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa qua, tổng giá trị cổ phiếu thu về cho nhà máy là gần 25 tỷ đồng, tăng 67% so với dự kiến. Kết quả này phần nào cho thấy các doanh nghiệp trong ngành viễn thông có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều nhà đầu tư.
Sau phiên đấu giá bán cổ phần ra ngoài của Nhà máy Thiết bị bưu điện Postef (Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa qua, tổng giá trị cổ phiếu thu về cho nhà máy là gần 25 tỷ đồng, tăng 67% so với dự kiến. Kết quả này phần nào cho thấy các doanh nghiệp trong ngành viễn thông có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều nhà đầu tư.
Phiên đấu giá cổ phần của Postef đã thu hút 152 nhà đầu tư tham gia. Tại phiên đấu giá này, 151.800 cổ phiếu của Postef được bán hết ngay từ lần đầu. Không chỉ vậy, mức giá đấu thành công trung bình của mỗi cổ phiếu của Postef lên đến 163.717 đồng/cổ phiếu (bằng 154% so với mức giá khởi điểm). Có cổ phiếu được nhà đầu tư đặt mua với mức giá 350.000 đồng/cổ phiếu. Ông Võ Mạnh Hùng, Người phát ngôn của Postef, cho biết đây là kết quả ngoài dự kiến của tập thể lãnh đạo và công nhân nhà máy. Một trong những nguyên nhân để nhà máy có thể đạt được thành công này là nhờ thương hiệu Postef của mình. Các sản phẩm như điện thoại các loại, máy in cước, máy xóa tem, thùng thư, tủ hộp đấu nối, cáp thông tin, cáp đồng trục... mang thương hiệu Postef đã trở nên khá quen thuộc với bưu điện các tỉnh, thành phố. Sản phẩm, dịch vụ của nhà máy hiện chiếm tới 90% thị phần trong ngành. Postef còn được nhiều doanh nghiệp ngoài ngành biết đến với những sản phẩm bưu chính, viễn thông chất lượng cao, giá thành chỉ bằng 70% giá các sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Hơn nữa, hệ thống bốn nhà máy trải khắp toàn quốc giúp Postef có thể mở rộng cung cấp sản phẩm, dịch vụ tại chỗ mà không mất thêm chi phí vận chuyển, giảm giá thành các sản phẩm, dịch vụ.
Ông Hùng cho biết thêm, kinh nghiệm để nhà máy có thể bán được cổ phiếu với giá cao, đem lại khoản thu lớn cho Nhà nước chính là xây dựng được thương hiệu sản phẩm, dịch vụ có uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, do nhà máy là đơn vị thành viên của VNPT cho nên độ tin cậy đối với các nhà đầu tư được tăng thêm đáng kể. Theo ông Hùng, các doanh nghiệp trước khi thực hiện đấu giá cổ phiếu tại trung tâm giao dịch chứng khoán cần chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua một công ty tư vấn. Mọi thông tin về doanh nghiệp bao gồm tình hình tài chính, phương án đầu tư, chiến lược phát triển của doanh nghiệp sau cổ phần hóa cùng những chỉ tiêu cụ thể về doanh thu, tài chính, đầu tư... cần được công khai, minh bạch và cung cấp đầy đủ cho các nhà đầu tư. Lãnh đạo doanh nghiệp cần giải trình rõ ràng mọi thắc mắc, băn khoăn của nhà đầu tư khi tìm hiểu về doanh nghiệp. Ngoài ra, trước khi thực hiện đấu giá, ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp có thể tranh thủ các phương tiện thông tin đại chúng để đưa nhiều thông tin đa dạng, khách quan tới các nhà đầu tư.
Thành công trong việc bán cổ phần ra ngoài của Postef vừa qua khẳng định sức hấp dẫn lớn của các doanh nghiệp trong ngành viễn thông đối với nhiều nhà đầu tư. Nếu như năm 2004, VNPT tập trung thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc khối công nghiệp và thương mại (phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ) thì những năm tiếp theo các doanh nghiệp thuộc khối dịch vụ, có quy mô lớn sẽ được cổ phần hóa. Theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 2 vừa qua thì trong năm 2005 VNPT cổ phần hóa hai doanh nghiệp là Công ty Thông tin di động VMS (đơn vị quản lý và khai thác mạng MobiFone) và Trung tâm tin học Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Hảo, quyền Trưởng ban Tổ chức cán bộ lao động (VNPT) nhận định, là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thông tin di động, một trong những dịch vụ đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, chắc chắn VMS sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư mua cổ phần. Thương hiệu nổi tiếng MobiFone cùng với kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư nước ngoài, đội ngũ lao động trình độ cao ở VMS... là những yếu tố chủ yếu hấp dẫn nhà đầu tư. Ông Hảo cũng cho biết hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa VMS và Comvik (Thụy Ðiển) sẽ chấm dứt vào ngày 19-5-2005. Ðể bảo đảm lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp nên phải chờ sau thời điểm bàn giao tài sản, VMS mới có thể tiến hành kiểm kê toàn bộ tài sản, mạng lưới, sau đó sẽ thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. Theo kế hoạch của VNPT, phương án cổ phần hoá VMS sẽ trình Bộ Bưu chính Viễn thông phê duyệt vào tháng 12-2005 và đến tháng 2-2006, VMS sẽ tiến hành bán đấu giá cổ phần ra ngoài. VNPT cũng dự kiến thực hiện cổ phần hóa Công ty dịch vụ viễn thông GPC (đơn vị quản lý và khai thác mạng VinaPhone). Tuy nhiên do hiện nay, GPC chưa là đơn vị hạch toán độc lập, sản xuất, kinh doanh đang phụ thuộc hệ thống bưu điện các tỉnh, thành phố nên rất khó trong việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. VNPT đã có cơ chế tách bạch trách nhiệm, phân định kết quả sản xuất kinh doanh của GPC và các đơn vị thành viên này một cách rõ ràng. Dự kiến trong năm 2005, khi có đủ điều kiện, GPC sẽ xây dựng xong phương án cổ phần hóa.
Theo ND
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.