Lao động - Việc làm

Kinh nghiệm quý trong giải quyết việc làm

Mai Hoa 30/08/2023 06:20

Đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 người lao động trong năm 2023, nhưng tính đến kỳ báo cáo tháng 8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 155.679 người lao động, đạt 96,1% kế hoạch năm, dự báo sẽ hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm trong thời gian sớm nhất. Kết quả tích cực này cũng để lại những bài học kinh nghiệm quý trong triển khai công việc của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô.

vielam.jpg
Các phiên giao dịch việc làm luôn thu hút nhiều sinh viên tìm kiếm cơ hội tuyển dụng.

Đồng tâm, hiệp lực gỡ khó

Thị trường lao động năm nay chịu nhiều rủi ro và thách thức, bao gồm sự sụt giảm sức mua ở các thị trường lớn, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho việc sản xuất - kinh doanh, nhiều người lao động bị mất việc, hoặc bị giảm giờ làm và giảm thu nhập. Trong bối cảnh đó, việc Hà Nội đạt được 96,1% kế hoạch năm chỉ sau 8 tháng, sớm tiệm cận việc hoàn thành kế hoạch năm thực sự rất đáng ghi nhận.

Chia sẻ, phân tích các bài học rút ra, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: Bài học kinh nghiệm là sự đồng tâm, hiệp lực, tháo gỡ kịp thời mọi khó khăn phát sinh. Bên cạnh việc tăng cường kết nối tuyển dụng thông qua hệ thống 15 sàn giao dịch việc làm của Thủ đô, Sở đã chủ động làm việc với một số quận, huyện, thị xã đôn đốc, phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động trên địa bàn. Nhờ vậy, từ chỗ ban đầu, chỉ có 12 quận, huyện, thị xã đăng ký tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động, đến nay, con số này ngày càng tăng, thậm chí có quận, huyện còn đăng ký tổ chức từ 2 đến 3 phiên.

Khẳng định chỉ tiêu về giải quyết việc làm cho người lao động được xếp là chỉ tiêu thi đua trọng tâm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, ông Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh: Có 2 căn cứ quan trọng cho việc này. Thứ nhất, căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10-1-2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, Sở đã sớm tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch riêng của Hà Nội nhằm thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động. Thứ hai, Sở sớm tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 12-1-2023 về việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Việc chủ động kết nối và điều tiết cung - cầu lao động cũng đã góp phần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối với 14 tỉnh, thành phố, nhằm tiếp tục tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động qua các hình thức.

Quan tâm hỗ trợ đối tượng yếu thế

Một điểm đáng chú ý là ngày càng có nhiều phiên giao dịch việc làm lồng ghép tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người chấp hành xong hình phạt tù và người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Là người đang tham gia sinh hoạt trong Hội Người khuyết tật quận Ba Đình, ông Trần Nam Thắng (sinh năm 1975, hiện ở phường Điện Biên, quận Ba Đình) cho biết: “Tôi từng làm nghề may cờ, bán hàng thiết bị công nghệ thông tin. Thông qua nhóm Zalo của Hội Người khuyết tật địa phương, tôi tiếp cận được thông tin về các phiên giao dịch việc làm. Tham dự các phiên này có rất nhiều cơ hội phù hợp, ngay cả với người không còn trẻ như tôi, như làm bảo vệ, phụ bếp…”.

Còn bà N.T.M. (đối tượng sau cai nghiện ma túy, ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình) chia sẻ: “Khi đi cai nghiện, tôi được lao động trị liệu, hướng dẫn học nghề. Phiên giao dịch việc làm do Nhà nước tổ chức, có chủ trương tạo điều kiện cho những người lầm lỡ như chúng tôi được tư vấn, hỗ trợ việc làm thực sự rất quý, giúp chúng tôi có cơ hội sớm đi làm, giảm nguy cơ bị tái nghiện”.

Tuy nhiên, qua thực tiễn các phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức trong tháng 7 và tháng 8 tại các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm…, có thể thấy vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp e dè tiếp nhận lao động sau cai nghiện, hoặc lao động mới chấp hành xong hình phạt tù.

Về việc này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: “Việc tạo việc làm, động viên những đối tượng này xóa đi mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, là việc làm nhân văn, thay đổi cách nhìn đối với những người đã có thời gian lầm lỡ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Vì vậy, Sở đang xây dựng đề án với nhiều chính sách ưu đãi cho cả doanh nghiệp và bản thân các đối tượng này, nhằm hỗ trợ việc làm ngày càng hiệu quả và thiết thực đối với họ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm quý trong giải quyết việc làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.