Giao thông

Kinh nghiệm bước đầu trong quản lý, vận hành đường sắt đô thị

TS Vũ Hồng Trường 08/02/2024 - 06:33

Trước năm 2008, không gian đô thị Hà Nội chủ yếu tập trung trong nội thành. Vì vậy, hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) cũng chỉ phát triển trong các quận nội thành cũ.

duong-sat.jpg
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ngày càng phát huy hiệu quả cao. Ảnh: Kiều Huynh.

Sau hợp nhất (tháng 8-2008), Hà Nội phát triển nhanh các khu đô thị vệ tinh (Xuân Mai, Sơn Tây, Hòa Lạc, Phú Xuyên, Đông Anh, Sóc Sơn…) theo hướng “đa tâm” nên VTHKCC liên vùng và kết nối vùng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn tới. Đây chính là cơ hội cho VTHKCC mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tại các khu vực ngoại thành, kết nối các khu đô thị vệ tinh với trung tâm Hà Nội.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km (342,2km đi trên cao và 75,6km đi ngầm). Từ tháng 11-2021, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành, khai thác. Dự kiến, trong quý II-2024, đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội cũng sẽ được khai thác phục vụ nhân dân.

Sau khoảng 2 năm đi vào vận hành, tuyến Cát Linh - Hà Đông có tỷ lệ chạy tàu đúng giờ đạt 99,9%; vận chuyển hơn 18,1 triệu lượt khách. Qua khảo sát, thời gian đầu, hành khách đi trải nghiệm nên lượng khách ở hai ga đầu, cuối là Cát Linh và Yên Nghĩa chiếm trên 50%; 10 ga còn lại chỉ chiếm gần 50%. Hiện tại, chủ yếu hành khách là những người có nhu cầu đi lại thường xuyên nên lượng khách phân bổ ở ga Cát Linh và Yên Nghĩa chỉ còn khoảng 30% và 70% là khách lên, xuống ở 10 ga còn lại.

Theo thống kê, vào ngày bình thường, tuyến vận chuyển 35.000-36.000 hành khách; ngày cuối tuần vận chuyển 24.000-26.000 hành khách. Tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng bình quân trong ngày khoảng 70%; trong giờ cao điểm lên tới 80%; giờ cao điểm đạt sản lượng vận chuyển 6.000-8.000 hành khách/giờ.

Qua hơn 2 năm đưa vào vận hành, khai thác, Hanoi Metro rút ra 7 bài học kinh nghiệm bước đầu về quản lý, vận hành đường sắt đô thị.

Thứ nhất: Cần nghiên cứu đặc tính nhu cầu, quy luật đi lại và mong muốn của hành khách. Quá trình này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ, nâng cao tính hấp dẫn nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Thứ hai: Tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất cho hành khách đến các nhà ga đường sắt đô thị.

Thứ ba: Xây dựng chính sách giá vé hợp lý, đa dạng hóa hình thức thanh toán với các loại vé phù hợp.

Thứ tư: Tăng cường tính kết nối của hệ thống VTHKCC, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách di chuyển bằng phương tiện công cộng nhằm hướng tới hệ thống VTHKCC đa phương thức. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò “xương sống”. Các loại hình vận tải công cộng khác sẽ đóng vai trò gom khách, trung chuyển và giải tỏa hành khách tại các nhà ga đường sắt đô thị.

Thứ năm: Khai thác tiềm năng thương mại, tăng cường tính hấp dẫn của đường sắt đô thị đối với khách du lịch; tổ chức các dịch vụ gia tăng giá trị để tăng nguồn thu cũng như tăng tiện ích như: Kinh doanh quảng cáo, đặt các máy ATM, máy bán hàng tự động, ki-ốt phục vụ đồ ăn nhanh…

Thứ sáu: Tạo dựng văn hóa sử dụng dịch vụ của hành khách cũng như văn hóa, chất lượng phục vụ hành khách của đơn vị vận hành đường sắt đô thị theo hướng văn minh, lịch sự ngay từ những ngày đầu.

Thứ bảy: Làm tốt công tác tuyên truyền. Tại các nhà ga và trên tàu, tăng cường thông tin tới hành khách các quy tắc an toàn, lộ trình di chuyển, các quy định về sử dụng dịch vụ; phát sổ tay hướng dẫn hành khách sử dụng dịch vụ. Ngoài ra cần đẩy mạnh tuyên truyền qua các kênh báo chí và đội ngũ cộng tác viên…

TS Vũ Hồng Trường
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Hanoi Metro

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm bước đầu trong quản lý, vận hành đường sắt đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.