Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Kinh đô” nghề đạp xích lô đất Bắc

Nguyễn Mai| 04/03/2012 07:46

(HNM) - Những năm gần đây, với sự phát triển các phương tiện vận tải tiện dụng hơn trong việc chở người và hàng hóa, chiếc xe xích lô đã thưa dần trên các đường phố Hà Nội.

Xã Tân Hội hôm nay. Ảnh: Minh Phú


Một thời "vang bóng"

Ấy là cái thời mà nhà nhà, người người ở Tân Hội theo nghề đạp xích lô trên phố. Nhớ lại thuở ấy, "bác tài" xưa, nay là Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội Nguyễn Vĩ Hùng tâm sự: Khó mà nhớ được nghề đạp xích lô xuất hiện ở Tân Hội từ bao giờ. Chỉ biết rằng khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, phụ nữ ở nhà dệt màn xuất khẩu, còn nam giới khỏe mạnh thì phần lớn theo nghề đạp xích lô kiếm sống. Bây giờ, nói đến nghề này có vẻ bạc bẽo, nhọc nhằn nhưng trước đây khi các phương tiện giao thông còn hạn chế thì nghề này là nguồn sống chính của nhiều người dân trong xã. Vì vậy, thời gian ấy, cả xã có hàng nghìn chiếc xích lô. Sáng sáng, trai tráng trong làng đạp xích lô ra các quận nội thành Hà Nội đón khách. Họ đi dọc đường, gặp ai thuê thì chở, không gặp khách thì ra "bến" tập trung như khu vực quanh ngã tư Cầu Giấy, các khu vực bệnh viện, công viên Thủ lệ, đường Bưởi, chợ Đồng Xuân…

Theo ông Hùng, đây là nghề kiếm "tiền tươi, thóc thật" nên thu nhập khá hơn hẳn so với cấy mấy sào ruộng hay dệt màn. Có bác tài khỏe mạnh lại chịu khó chuyên chở khách ở các khách sạn hoặc chở hàng cho các đại lý buôn bán lớn thì kiếm tiền rất dễ. Nói chẳng mấy ai tin nhưng có ngày họ kiếm được cả chỉ vàng - ông Hùng cười. Câu chuyện về nghề xích lô đang rôm rả thì Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Mười chia sẻ, trước khi tham gia công tác ở chính quyền, bản thân ông Mười, ông Hùng đều là những tay xích lô cừ phách, đạp mòn không biết bao nhiêu đôi dép trên các phố phường Hà Nội.

Chúng tôi tìm đến thôn Vĩnh Kỳ, nơi được xem là "tiên phong" của nghề đạp xích lô ở Tân Hội, nơi gắn với tên tuổi của những "bác tài" nổi danh trong nghề như cụ Hùng Duyệt, ông Trường, ông Chiến Bưởi… cả đời gắn bó với nghề. Ông Nguyễn Văn Hợp, cụm 1, thôn Vĩnh Kỳ cho biết: Nghề nào cũng thế, có thăng, có trầm. Nghề đạp xích lô vất vả, ngày nhiều việc, có ngày không gặp khách chỉ ngồi chơi. Cũng có những hôm vừa và miếng cơm vào miệng thì khách đến, lại phải gói ghém lại đấy, đưa khách đi…

Năng động chuyển nghề

Cuộc sống xoay vần, nghề đạp xích lô thu hút cả nghìn người Tân Hội tham gia thuở nào, nay chỉ còn hơn 20 người bám trụ. "Hầu hết những người còn bám trụ lại với nghề chủ yếu đã lớn tuổi, quen thuộc với những vòng quay xích lô trên các nẻo đường"- Phó Chủ tịch Nguyễn Vĩ Hùng cho biết. Họ tập trung ở khu vực thị trấn Trôi (huyện Hoài Đức) và thị trấn Nhổn (huyện Từ Liêm) để kiếm sống. Ông Nguyễn Vĩ Hồng, 56 tuổi, thôn Thượng Hội cho hay, ông chở mọi thứ khách thuê, từ giường, tủ đến vật liệu xây dựng, gạo, cám... ai gọi đâu chở đó, bình quân mỗi ngày chiếc xích lô cũng giúp ông kiếm được hai trăm nghìn đồng. Tuy vậy, nghề này mất nhiều sức và hiện nay nhu cầu xã hội cũng không nhiều. Đó là lý do khiến nhiều người buộc phải bỏ nghề, tìm những việc mới có hiệu quả hơn.

 Hiện nay xóm làng ở xã Tân Hội đã đổi thay, các hộ ở ven đường đều mở cửa hàng kinh doanh tấp nập chẳng khác nào phố thị, người dân đã năng động tìm nghề mới. Họ chuyển vào làm tại các khu công nghiệp, kinh doanh buôn bán. Đặc biệt nhiều lao động Tân Hội vẫn theo nghề chở khách, nhưng thay vì đạp xích lô mỏi chân, chùng gối, giờ đây họ chở bằng xe máy, ô tô với hơn 200 người làm dịch vụ xe ôm và 15 xe taxi do người làng đầu tư chở khách mưu sinh. Đáng chú ý, nhờ chịu khó học tập, lại năng động trong công việc, kể từ sau ngày đất nước mở cửa, số lao động xuất khẩu của Tân Hội ngày một nhiều. Thời gian cao điểm vào những năm 2000, xã có 1.000 người đi lao động nước ngoài, lượng ngoại tệ gửi về xã nhiều, người dân xã quay vốn làm ăn, buôn bán rồi xây dựng nhà cửa khang trang.

Khi chúng tôi tạm biệt nơi "phố làng" vốn một thuở được coi như "kinh đô" xích lô này, ông Đỗ Văn Mười còn khoe, "riêng ở Ba Lan có hẳn một làng người Tân Hội giữa trời Tây nữa đấy".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Kinh đô” nghề đạp xích lô đất Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.