(HNM) - Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1-8-1921. Quê quán: Thôn Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông là một trong những nhà văn sáng tác từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với những tác phẩm độc đáo viết về người nông dân và làng quê đồng bằng Bắc bộ.
(HNM) - Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1-8-1921. Quê quán: Thôn Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông là một trong những nhà văn sáng tác từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với những tác phẩm độc đáo viết về người nông dân và làng quê đồng bằng Bắc bộ. Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2000. Nhà văn Kim Lân đã từ trần tại Hà Nội ngày 20-7-2007.
Cũng giống như những trang văn độc đáo của mình, nhà văn Kim Lân để lại những ấn tượng vô cùng sâu đậm đối với những ai dù chỉ một lần được tiếp xúc với ông. Gương mặt gầy, khắc khổ nhưng nụ cười cởi mở với ánh nhìn tinh anh hóm hỉnh, nhà văn luôn tạo ra sự gần gũi chân tình với người được trò chuyện cùng ông. Tôi còn nhớ lần đầu tiên được “diện kiến” với ông. Khi đó tôi mới chỉ là một cô bé con, đi theo cha tôi là nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận đến trường viết văn Quảng Bá. Khi đó cha tôi làm ở phòng giáo vụ ở nhà trường. Lúc này, trường Quảng Bá là một khu đất rộng mênh mông, trồng rất nhiều cây ăn quả. Hôm đó mọi người đang họp ở trong phòng, tôi nhìn thấy ông chắp tay sau lưng đứng ngoài vườn. Cứ ngỡ ông là một người làm vườn hoặc người bảo vệ nên tôi rụt rè nói: “Bác ơi hái cho cháu quả ổi !” Ông nhìn tôi cười và thực hiện ngay đề nghị của tôi. Thấy dễ dàng quá, tôi bèn “tấn công” tiếp: “Bác ơi hái cho cháu quả hồng bì !”. Ônglại loay hoay tìm cách lấy hồng bì cho tôi vì chùm quả chín ở trên cành cao. Vừa lúc đó cha tôi chạy ra sân mời ông vào họp. Ông trả lời là chờ một tí để tôi hái nốt chùm quả cho cháu đã. Lúc đó tôi mới biết ông là nhà văn Kim Lân. ấn tượng từ lần gặp đầu tiên đấy cứ ám ảnh tôi mãi. Sau này khi đến gặp với ông cùng với một người bạn đồng nghiệp ở Viện Văn học để ghi chép lại những hoạt động trong thời kì kháng chiến chống Pháp của ông, tôi đã nhắc lại chuyện này. Ông cười thích thú và nói: “Ô thế ra cô bé con ngày ấy là chị đấy à?”.
Có lẽ hơn đâu hết, câu nói: “Văn chính là người” hay chính xác hơn “nhân vật chính là nhà văn” lại gần gũi với trường hợp của nhà văn Kim Lân đến thế. Là một nhà văn xuất hiện trên văn đàn từ những năm 40 của thế kỷ trước, cùng thời với Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài,…; cùng hoạt động trong Văn hóa Cứu quốc với Như Phong, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân đã để lại một dấu ấn riêng đậm nét trong nền văn học hiện đại của chúng ta. Ông là nhà văn của những kiếp người cùng khổ, những kẻ “hạ lưu” ở dưới đáy xã hội. Ngòi bút của ông dường như rất nhạy cảm với những cảnh ngộ đau xót, những hoàn cảnh thương tâm của những con người bé nhỏ. Ông đã xây dựng thành công nhân vật người nông dân với những đặc điểm riêng không thể trộn lẫn với bất cứ nhà văn nào. Những nhân vật máu thịt của mình mà ông gọi là: “Những đầu thừa đuôi thẹo ở khắp các xó xỉnh của cuộc sống. Truyện ngắn là thể loại sở trường của nhà văn, mặc dù số lượng trang không nhiều nhưng ông đã đóng góp vào nền văn xuối hiện đại Việt Nam của chúng ta những truyện ngắn, xứng đáng là những mẫu mực có tính cổ điển nhưVợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí…
Điều gì đã bồi đắp nên tài năng và nhân cách của ông? Phải chăng đó là không gian Kinh Bắc với những truyền thống văn hóa lâu đời; đó là thân phận vợ lẽ con thêm với rất nhiều cảnh ngộ của một kẻ ngụ cư. Theo lời kể của nhà văn, ngay từ nhỏ, học ở trường Đình Bảng, ông đã được coi là người có “hoa tay”, vẽ giỏi và có nhiều tài lẻ. Ông rất mê đóng kịch và được sắm khá nhiều vai. Ví dụ như vai ông Du Đăng (ông Giuốc Đanh trong hài kịch Môlie), vai Cụ Bá trong vở Cái tủ chè của Vũ Trọng Can… Ra ngoài thì được coi trọng nhưng trong gia đình ông lại bị coi thường vì mẹ ông là vợ ba lại là dân ngụ cư. Cái thân phận nghèo tủi, trôi nổi của những người mang tiếng dân ngụ cư đã ám vào số phận của bà mẹ. Nhà văn đã thấu hiểu và đồng cảm sâu xa. Để sau này ông đã thể hiện một cách thật gan ruột thấm thía qua những trang viết của mình. Truyện ngắn đầu tiên của Kim Lân có tên là Đứa con người vợ lẽ in ở Trung bắc chủ nhật khoảng năm 1940, là một tự truyện được viết với tất cả nỗi hờn tủi về thân phận mình.
Những lần gặp ông vì công việc, chúng tôi rất khó khăn khi yêu cầu ông nói về mình. Ông thường say sưa nói về các bạn văn của mình. Ông hào hứng kể rất nhiều chuyện thú vị về Ngô Tất Tố, Tú Mỡ, Nguyễn Huy Tưởng, đặc biệt kể rất nhiều chuyện thú vị về nhà văn Nguyên Hồng. Kỷ niệm cuối cùng của tôi với ông là khi ông đến Viện Văn học nhờ tôi tìm hộ bài viết của ông về nhà văn Nguyên Hồng in trên Tạp chí Văn học, khi Nguyên Hồng qua đời. Đó là một bài viết với nhiều chi tiết và tình cảm rất xúc động. Khi đó tôithấy băn khoăn nhưng cũng không dám hỏi vì sao ông lại đi tìm một bài viết từ năm 1982 của mình. Tôi mời ông vào cơ quan nhưng ông từ chối và ngồi ngay quán nước trước cổng Viện để nói chuyện. Trong câu chuyện, ông toàn kể về các con mình. Tôi hiểu rằng bên cạnh những đứa con tinh thần, những người con bằng xương thịt là tất cả tình yêu và niềm tự hào của ông. Tôi nhớ đến một đoạn viết rất ấn tượng trong hồi ký của ông: “Tôi, bác Tố, anh Hồng cùng ấp, cùng một đoạn đường lên cơ quan. Kháng chiến, công việc, hoàn cảnh ấy đã gắn bó chúng tôi bằng cùng một tâm sự, bằng niềm vui chung, cũng như từng nỗi lo toan riêng. Mỗi lần ở cơ quan về, vui lắm. Đang trò chuyện, cười cợt, vậy mà khi sắp tới nhà, còn chừng một, hai cây số thì tất cả đều lặng ắng. Đăm đăm nhìn về ngọn đồi trọc, chơ vơ vài nóc nhà lợp rạ. Chưa nghe thấy tiếng nhưng đã trông thấy những hình dáng quen thuộc đang tất bật với công việc ngoài sân, ngoài vườn. Những đứa trẻ nhỏ chạy đi, chạy lại loăng quăng… Chúng tôi lặng đi vì thương vợ, thương con. Từ đấy về nhà, hầu như không ai nói gì nữa…”.
Nhà văn Kim Lân, bác Kim Lân trong kỷ niệm của tôi là nhưthế...
Lưu Khánh Thơ
(Viện Văn học)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.