Văn hóa

Kiệt tác nghệ thuật đình Đại Phùng

Nguyễn Mai 11/02/2025 - 10:07

Đình Đại Phùng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) thờ Đức Thánh Tích Lịch Hoả Quang Thượng đẳng thần và Tướng quân Vũ Hùng - người có công dẹp giặc thời nhà Trần, thế kỷ XIV. Đình được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII, có nghệ thuật kiến trúc gỗ được đánh giá là kiệt tác quý hiếm ở Việt Nam. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, năm 2019, đình Đại Phùng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Ngôi đình cổ, chạm trổ tinh xảo

dai-phung-1.jpg
Toàn cảnh đình Đại Phùng. Ảnh: Trần Trung Hiếu

Theo các tư liệu lịch sử, đình Đại Phùng được xây dựng từ thời vua Trần Nghệ Tông (Hoàng đế thứ 8 nhà Trần). Đình Đại Phùng thờ vọng thiên thần Tích Lịch Hỏa Quang (Ánh sáng lửa của tia chớp), tức là Pháp Điện - một trong tứ pháp: Pháp vân, pháp vũ, pháp lôi và pháp điện. Ngài được cả tổng Phùng xưa tôn thờ thành hoàng (tổng Phùng gồm 8 làng: Đại Phùng, Đông Khê, Đoài Khê, Phượng Trì, Tháp Thượng, Thụy Ứng, Thu Quế, Thuận Thượng). Đình cũng thờ Tướng Vũ Hùng là nhân thần - vị tướng có công dẹp giặc, được nhà Trần truy tặng danh hiệu: Trần triều Trung quân Ngã Bốn, Vũ Hùng Đại Vương. Làng Đại Phùng là nơi ông đã từng đóng quân. Nhớ ơn ông, dân làng lập đền thờ, lấy ngày 18 tháng Giêng (âm lịch) làm ngày hóa.

Đình Đại Phùng nằm ở trung tâm làng, khuôn viên rộng 2.542m2 nhìn hướng Tây gồm tiền tế, đại bái và hậu cung kết cấu theo kiểu “chồng rường - giá chiêng - hạ kẻ” với 6 hàng chân, toàn bộ ngôi đình có 64 cột, đường kính cột lớn nhất hơn 0,6m.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Minh Nhương, giá trị lớn nhất ở đình Đại Phùng chính là trang trí kiến trúc còn giữ nguyên giá trị điêu khắc nghệ thuật thế kỷ XVII, các mảng chạm khắc dày đặc với gần 1.000 họa tiết có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao. Nghệ thuật tạo hình ở đình Đại Phùng đạt đến trình độ rất cao hiếm thấy ở nước ta nói chung, thế kỷ XVII nói riêng. Các nghệ nhân xưa đã thao diễn kỹ thuật chạm trổ một cách điêu luyện với rất nhiều đề tài và bố cục sống động, phản ánh đời sống xã hội đương thời, như: Hình tượng “Vinh quy bái tổ”, “Mả táng hàm rồng”, “Tiên tắm đầm sen”, “Đấu vật”… Các họa tiết kẻ liền bẩy bốn góc, kẻ liền bẩy vì chính, đến các đầu dư đầu duôi, xà thượng, các chồng rường, bát đỡ, câu đầu... đều là những tác phẩm nghệ thuật kiệt tác.

Đình Đại Phùng còn bảo tồn khối di vật phong phú như long ngai bài vị, bát hương, hương án, y môn, cửa võng, bát bửu, kiệu… cùng một số đồ thờ tự có giá trị có niên đại trải dài từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX...

Đình Đại Phùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích quốc gia năm 1991, được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quyết định và công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1954/QĐ-TTg ngày 31/12/2019.

Phát huy giá trị di tích

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm, đình Đại Phùng đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Năm 1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác cán bộ thủy lợi chuyên toàn miền Bắc do Bộ Thủy lợi tổ chức tại đình Đại Phùng. Thấy đình xuống cấp, Thủ tướng đã đề nghị cấp kinh phí để tu sửa. Năm 2010, đình Đại Phùng được tu bổ, tôn tạo tổng thể. Một số cột gỗ xoan được thay thế bằng gỗ lim. Các họa tiết đặc biệt quý hiếm của đình Đại Phùng vẫn được bảo tồn nguyên giá trị vốn có. Việc trùng tu bảo đảm kỹ thuật và độ bền vững của ngôi đình. Cũng trong năm 2010, đình Đại Phùng được gắn biển Công trình kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

dai-phung-6.jpeg
Công tác chuẩn bị cho lễ hội đầu năm ở đình Đại Phùng. Ảnh: Đan Phượng

Từ xa xưa, Lễ hội đình Đại Phùng được tổ chức mỗi năm ba lần. Ngày 18 tháng Giêng là ngày đản sinh của Thánh Vũ Hùng, đây là lễ hội lớn nhất trong năm; thứ hai là ngày 12 tháng 2 tưởng nhớ thần Tích Lịch Hỏa Quang, vị thần hoàng chung của cả tổng Phùng; thứ ba là ngày 18 tháng 11 kỷ niệm ngày hóa của ngài Vũ Hùng.

Những ngày này, chính quyền và nhân dân làng Đại Phùng, xã Đan Phượng náo nức chuẩn bị cho lễ hội truyền thống được tổ chức vào 18 tháng Giêng. Ban tổ chức phân công cho từng bộ phận chuẩn bị nghi lễ sao cho trang nghiêm thành kính, nhớ ơn công đức của Thành hoàng. Phần hội tạo không khí vui tươi, đoàn kết, nhiều trò vui phong phú, không gian mở rộng.

Cụ Đặng Thị Ty (79 tuổi), nguyên cán bộ văn hóa huyện Đan Phượng, sinh sống ở xóm Đình Nam, thôn Đại Phùng cho biết, theo hương ước, cứ 5 năm làng lại mở hội lớn. Dịp này, Đại Phùng mời các làng trong xã, như: Đông Khê, Đoài Khê, Phượng Trì… tham gia hội đồng rước. Đoàn rước kiệu của các làng hoành tráng, cờ biển rợp trời, trống chiêng rộn rã. Nam, phụ, lão, ấu đủ thành phần đoàn thể cùng vào hội. Đám rước lớn xuất phát từ sân đình Đại Phùng, đi qua làng Đông Khê, Đoài Khê vượt lên triền đê, vòng qua chùa Tam Giáo rồi trở về tập kết ở sân đình. Khí thế hùng dũng oai nghiêm của đoàn rước mô phỏng cảnh xuất quân lịch sử năm xưa của tướng Vũ Hùng đánh tan giặc, giành lại thanh bình cho đất nước.

Cuộc hội quân quy mô lớn của lễ hội Đại Phùng cũng biểu dương sức mạnh tổng hợp của con người và cảnh vật nơi đây. Đó là hình ảnh của “nhân khang vật thịnh”. Lễ và hội ở đình Đại Phùng có sự hòa đồng, trong khi ở trong đình diễn ra các tuần tế trang nghiêm thành kính theo nghi thức cổ truyền thì phía ngoài đình diễn ra nhiều trò vui náo nhiệt…

Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu rộng rãi các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của đình cho nhân dân, du khách thông qua truyền hình, phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tại các di tích để phát triển “du lịch thông minh”, nhằm đánh thức và khai thác mạnh tiềm năng di sản văn hóa, phục vụ đa dạng cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm di tích của nhân dân và du khách thập phương; kết nối các di tích với các địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên quảng bá về các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của đình nói riêng và các di tích lịch sử, văn hóa trên đại bàn xã.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng Vũ Đình Tuấn, ngày 15/2 (tức 18 tháng Giêng), tại Di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; tổ chức hội làng với quy mô lớn. Sự kiện thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của ông cha để lại; khẳng định tiềm năng, trí tuệ của con người Việt Nam và giá trị nổi bật về kiến trúc, nghệ thuật của đình Đại Phùng. Đây cũng là dịp địa phương giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của đình Đại Phùng tới du khách, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiệt tác nghệ thuật đình Đại Phùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.