Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng trên địa bàn dân cư: Không đơn thuần là chuyện tách, nhập

Quốc Bình| 16/09/2013 06:17

(HNM) - Yêu cầu kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng (TCĐ) và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư đang ngày càng cấp thiết.



Vì chừng nào còn chưa ổn định, phù hợp về mặt tổ chức, các TCĐ ở địa bàn dân cư còn chưa phát huy hết vai trò lãnh đạo, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề nảy sinh tại các thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư. Tuy nhiên, việc sắp xếp không đơn thuần chỉ về mặt cơ học, là chuyện tách một thành hai, ba hay nhập nhiều chi bộ thành một.

Đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ quận Thanh Xuân có 233 chi bộ ở địa bàn dân cư chưa đồng nhất với hệ thống chính trị. Sau một quá trình kiện toàn, sắp xếp mô hình TCĐ và các tổ chức trong hệ thống chính trị, hiện nay trên địa bàn quận còn hai mô hình. Thứ nhất, theo tổ dân phố, tương ứng mỗi tổ dân phố có một chi bộ lãnh đạo, một ban công tác mặt trận, một chi hội đoàn thể. Thứ hai, mô hình theo khu dân cư với một chi bộ lãnh đạo từ 2 - 6 tổ dân phố, một ban công tác mặt trận và chi hội đoàn thể chính trị - xã hội. Đây là hai mô hình được đánh giá là phù hợp, ít gây xáo trộn. Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy chỉ sắp xếp, kiện toàn như vậy là chưa đủ.

Mô hình 1: Chi bộ lãnh đạo một tổ dân phố được coi là tối ưu, vì tạo sự thống nhất, dễ triển khai các nhiệm vụ chính trị, dễ tổ chức các hoạt động, tuy nhiên lại tạo ra quá nhiều đầu mối, gây khó khăn cho việc thực hiện chế độ phụ cấp đối với các chức danh, chưa kể việc bố trí nơi hội họp cho các chi bộ tổ dân phố gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, mô hình 2 tuy khắc phục được một số hạn chế của mô hình 1 nhờ thu gọn đầu mối nhưng lại đặt ra những vấn đề khác. Theo Chủ tịch UB MTTQ quận Thanh Xuân Phạm Đình Mùi, nếu không có quy chế bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa cấp ủy chi bộ với các tổ trưởng, tổ phó dân phố thì dễ nảy sinh các bất cập như hiện tượng coi "khu dân cư" là một cấp "dưới phường, trên tổ dân phố". Thực tế có nơi đề nghị để đồng bộ ở khu dân cư cần có vị "trưởng khu", "trưởng cụm"…

Khác với quận Thanh Xuân, một số huyện có tình trạng nhiều chi bộ lãnh đạo một thôn, làng.

Ví dụ, huyện Mỹ Đức vẫn còn 17 thôn có tình trạng này. Trong đó, một thôn có đến 9 chi bộ cùng lãnh đạo, tạo ra sự chồng chéo, "dẫm chân" nhau khi các chi bộ có vai trò như nhau, cùng chung nhiệm vụ, trên cùng một địa bàn dân cư. Có những câu chuyện "dở khóc, dở cười" đã xảy ra như khi bầu trưởng, phó thôn, phải đi hỏi ý kiến nhiều bí thư chi bộ, hay có nơi trưởng thôn gọi các bí thư chi bộ lên "giao nhiệm vụ"… Xu hướng chung trong việc sắp xếp lại TCĐ tại những nơi như trên là sáp nhập các chi bộ Đảng lại và thành lập các tổ đảng trong chi bộ Đảng. Tuy nhiên, việc sắp xếp các chi bộ này không đơn giản như ở Thanh Xuân, vì làm sao để lựa chọn nhân sự một cách phù hợp, vừa không gây mất đoàn kết, vừa bảo đảm khả năng lãnh đạo tổ chức của cán bộ. "Năm ông đang cùng là bí thư chi bộ, giờ lấy một ông làm bí thư, bốn ông khác làm phó bí thư liệu có ổn thỏa không? Các phó bí thư thì để làm gì…" - Một cán bộ xã đặt vấn đề. Cũng chính vì vậy, đến nay, huyện Mỹ Đức chưa thực hiện sắp xếp lại mô hình TCĐ tại các thôn trên. Huyện ủy Mỹ Đức cho biết, đang chờ đề án "Kiện toàn, sắp xếp mô hình TCĐ và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội".

Tình trạng tương tự "17 thôn ở Mỹ Đức" cũng không ít. Toàn thành phố còn 112 tổ dân phố, khu dân cư có 2 chi bộ lãnh đạo trở lên, có 130 thôn có nhiều chi bộ lãnh đạo một thôn. Chắc chắn, số này sẽ được kiện toàn ngay sau khi đề án của thành phố được triển khai. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của đảng viên cho rằng vấn đề đặt ra không chỉ là tách hoặc sáp nhập các TCĐ một cách cơ học mà phải có kế hoạch chuẩn bị về nhân sự hợp lý, phù hợp với tình hình của địa phương. Chưa kể, sau khi hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn TCĐ theo cách sáp nhập các chi bộ lại sẽ làm tăng về quy mô của chi bộ. Điều này đặt ra yêu cầu cần quan tâm đến chế độ phụ cấp, là việc phân công nhiệm vụ của cấp ủy, đảng viên cho hợp lý và không ngừng đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chi bộ… để TCĐ thực sự phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng trên địa bàn dân cư: Không đơn thuần là chuyện tách, nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.