(HNMCT) - Văn hóa truyền thống là mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng sáng tạo. Trên thực tế, thông qua việc khai thác giá trị vật thể và phi vật thể hoặc sử dụng các nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất truyền thống, các thiết kế sáng tạo không chỉ góp phần bảo tồn mà còn giúp quảng bá văn hóa địa phương. Làng nghề gốm Koh Kret (Thái Lan) đang triển khai rất hiệu quả những dự án phát huy giá trị truyền thống.
Đảo Koh Kret nằm giữa sông Chao Phraya, tỉnh Nonthaburi. Người dân của làng này đa số là dân tộc Môn, yêu thích cuộc sống bình dị, hiền hòa. Nếu muốn tìm một nơi “sống chậm” đúng nghĩa, thì Koh Kret là một lựa chọn tuyệt vời. Đặc biệt, đồ gốm do các nghệ nhân nơi này làm ra rất tinh xảo. Đây là một nghề truyền thống của người Môn và cũng là yếu tố thu hút du khách đến với đảo. Nhiều năm trước đây, đồ gốm của làng Koh Kret chủ yếu là các vật dụng để đựng như chậu, bình nước, chậu trồng cây, nồi, vạc... Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, các sản phẩm gốm truyền thống của người Môn dần mất đi hào quang của thời kỳ hoàng kim. Có giai đoạn, tương lai của làng nghề là một chủ đề khiến người dân thực sự lo lắng.
Để giúp nghề làm gốm của Koh Kret thoát khỏi tình trạng bị mai một, thất truyền, những năm gần đây, chính phủ Thái Lan cũng như chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp. Đầu tiên là dự án OTOP (One Tambon One Product: Mỗi làng nghề một sản phẩm) từ năm 2001. Đây là một chiến lược chung được chính phủ Thái Lan phát động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của khoảng 70.000 làng nghề thủ công trên đất nước Chùa Vàng.
Tiếp theo, để thu hút khách du lịch và mở rộng thị trường, chính quyền đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích các nghệ nhân đổi mới, sáng tạo sản phẩm gốm. Nổi bật nhất là chương trình “Phát triển sản phẩm lưu niệm gốm sứ đương đại dựa trên chất liệu truyền thống” để quảng bá du lịch tại Koh Kret. Mục tiêu hướng đến là những thiết kế logo đẹp mắt và các sản phẩm gốm sứ tinh xảo đáp ứng nhu cầu làm quà tặng của du khách. Có thể nói, đây là một “cuộc cách mạng” đối với các nghệ nhân ở Koh Kret, vốn quen với các mẫu sản phẩm từ thời ông cha để lại.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, nhiều thiết kế với ý tưởng độc đáo lần lượt ra đời phù hợp với sở thích cũng như nhu cầu của khách du lịch cả trong và ngoài nước. Theo khảo sát của chính quyền địa phương, 2 sản phẩm lưu niệm được yêu thích nhất là biểu tượng chiếc chậu truyền thống và chùa Nghiêng - hai hình ảnh mang tính biểu tượng của Koh Kret. Bên cạnh đó, các sản phẩm trang trí để bàn tinh xảo cũng nằm trong danh sách bán chạy của các cửa hàng.
Qua 2 thập niên, Koh Kret quả thực đã khoác lên mình “tấm áo mới”. Sự thay đổi đã mang tới những tác phẩm sáng tạo gốm đa dạng. Từ hình dáng của sản phẩm tới hoa văn họa tiết trang trí đều thể hiện sự linh hoạt và khéo léo của các nghệ nhân, có thể chìm hay đắp nổi, bề mặt của sản phẩm có thể trơn láng hay xù xì thô ráp, không còn đơn thuần như các sản phẩm truyền thống. Chất liệu làm ra sản phẩm vẫn là đất sét lấy từ tỉnh Pathumthani. Loại đất này tạo ra màu cam, đỏ, xám và đen đặc trưng sau khi nung. Nhiệt độ nung càng cao thì màu càng đậm. Thật ra trước đây, đất sét làm gốm của làng được lấy từ một cánh đồng lúa ngay tại Koh Kret, sau đó trộn với cát sông Chao Phraya. Tuy nhiên, về sau mỏ đất sét này đã bị khai thác hết nên người Môn phải đặt mua đất tương tự từ Pathumthani. Trong khi đó, quy trình nhào nặn bằng tay, chạm khắc hoa văn tinh xảo và phong cách địa phương vẫn được các nghệ nhân tôn trọng. Người Môn cho rằng, đây là cách bảo tồn truyền thống, dù sáng tạo để phù hợp với thời thế song không đánh mất bản sắc hay hồn cốt của sản phẩm.
Chính vì những thay đổi kể trên, Koh Kret đã dần thu hút số lượng khách du lịch đông đúc trở lại. Để giới thiệu và quảng bá quy trình sản xuất gốm, các hiệp hội du lịch phối hợp với người dân địa phương tổ chức các chương trình thực tế cho du khách trải nghiệm tự làm đồ gốm theo ý muốn. Mỗi khách du lịch sẽ tự lên ý tưởng và tạo hình các sản phẩm từ đất sét dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Hoạt động này phù hợp với giới trẻ vì họ thích hoạt động, sáng tạo. Nếu du khách tạo ra sản phẩm đẹp, ưng ý và muốn đem về nhà làm quà. Họ chỉ cần ghi lại địa chỉ, các nghệ nhân ở đây sẽ giúp hoàn thiện sản phẩm, nung, đóng gói và gửi về tận tay du khách.
Các chuyên gia văn hóa cho rằng, một trong những cách “đánh thức văn hóa truyền thống” là xem truyền thống là nhịp cầu kết nối các giá trị mới, chứ không phải là di tích của quá khứ. Và thực tế đã chứng minh, việc kết hợp nguyên liệu truyền thống với các ý tưởng sáng tạo đương đại đã giúp nhiều sản phẩm thành công trên thị trường toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.