Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến tạo môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Chí Kiên| 12/12/2022 06:24

(HNM) - Trong xu thế hội nhập, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn là động lực, nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, giúp giải quyết các khó khăn, thách thức, hướng tới phát triển bền vững. Điều này càng có ý nghĩa sâu sắc trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng như hiện nay.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang đặc trưng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nổi bật là đến nay đã có 58 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016) và sắp xếp nguồn lực hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ liên quan. Trên tinh thần này, hiện đã có hơn 20 địa phương thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối các nguồn lực cho phát triển. Đáng chú ý, nền tảng về hạ tầng, nhân lực cùng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã, đang phát triển năng động, hiệu quả với hơn 170 trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hơn 200 không gian làm việc chung được hình thành và phát triển. Các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh,… đang đi đầu trong phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cả về chiều rộng và chiều sâu.

Hơn thế, chúng ta đang khẳng định vị thế và ngày càng tăng năng lực kết nối, khai thác các nguồn lực quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vị thế đó đã được quốc tế ghi nhận khi đến nay, Việt Nam duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Việt Nam tiếp tục được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng, nhưng xét trên bình diện chung, do xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Đáng nói, nội tại lĩnh vực này đang gặp phải những “chướng ngại vật” làm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa thể hiện hết năng lực, tính sáng tạo phục vụ cho phát triển.

Rào cản điển hình là một số thủ tục hành chính rườm rà khiến doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mất nhiều thời gian, công sức, chi phí và nhân lực, từ đó làm mất đi cơ hội phát triển, sáng tạo. Trong khi đó, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam còn non trẻ, khó tránh khỏi những điểm yếu về kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức về truyền thông, thị trường… Thêm nữa, sự hỗ trợ mặc dù đã có nhưng tính chuyên nghiệp và năng lực của người đi tiên phong trong lĩnh vực này cơ bản vẫn chỉ dừng ở việc “biết gì làm nấy”, chưa trở thành “cú hích” thực sự, xuyên suốt cho sáng tạo và phát triển.

Để sớm thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh mẽ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong phát biểu tại Chương trình “Dấu ấn - Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2022” diễn ra tối 3-12 vừa qua tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nhà nước thực hiện định hướng, điều phối, xây dựng thể chế, chính sách, kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Kiến tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển có rất nhiều nhiệm vụ đặt ra. Đó là tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; gắn lĩnh vực này với giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cộng đồng, cá nhân. Đặc biệt, phải khuyến khích cho được những ý tưởng mới, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống thường nhật.

Quan trọng hơn, cần tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn, nhân lực, khoa học, công nghệ, sản phẩm mới; phát triển đồng bộ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, trường đại học, học viện, “vườn ươm sáng tạo”… Cùng với đó là quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ Nhà nước, nhà đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư, tập đoàn, tổ chức quốc tế.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là khởi nguồn cho tư duy, cách làm mới, mở ra một chặng đường phát triển cho dù sẽ có không ít chông gai đón đợi… Nhưng đó là khẳng định bản lĩnh, là “đường đi, nước bước” quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Trí tuệ, ý chí người Việt Nam, sức sáng tạo Việt Nam sẽ từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển đất nước giàu mạnh và vươn mình ra thế giới ngày một mạnh mẽ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.