(HNM) - Những thách thức chưa từng có từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… đang đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi tầm nhìn và nhận thức mới về nông nghiệp với vai trò “trụ đỡ” phát triển kinh tế - xã hội. Và “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh” vừa là định hướng, nhiệm vụ, vừa là đích đến bền vững của một quốc gia nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tích hợp đa giá trị kinh tế - xã hội và môi trường. Theo đó, nông nghiệp nước nhà tập trung nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh theo chuỗi giá trị bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời từng bước phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái đã hình thành trên dải đất hình chữ S với những cấp độ khác nhau. Hà Nội với lợi thế là “đất trăm nghề” đã, đang đầu tư phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch và bước đầu ghi nhận thành công. Những mô hình du lịch - sinh thái - làng nghề ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín hay Trang trại Chimi Farm 4 ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh… đã mở hướng đi mới, song để phát triển hiệu quả, vẫn là câu chuyện dài.
Việc triển khai các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch nói riêng và xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường nói chung đòi hỏi nhiều yếu tố: Từ nhận thức phát triển, hoạch định chính sách đến xây dựng chuỗi liên kết giá trị; từ nguồn vốn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến đưa công nghệ cao vào sản xuất, phát triển công nghiệp sau thu hoạch… Trong đó có nhiều vấn đề nội tại của nông nghiệp nước nhà, không phải ngày một, ngày hai có thể giải quyết được.
Do vậy, để phát triển nông nghiệp sinh thái với vai trò nền tảng cho phát triển bền vững, cần đổi mới mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động với đồng bộ giải pháp.
Trước hết là nâng cao nhận thức của cộng đồng về xu hướng phát triển nông nghiệp sinh thái như một phương tiện để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế sẻ chia hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Qua đó xây dựng và triển khai các giải pháp đầu tư xanh, thông minh trên cơ sở phát huy tối đa thế mạnh của hệ sinh thái cũng như những lợi thế đặc thù để nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó là xây dựng chiến lược và hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ từ nguồn vốn đầu tư, tổ chức sản xuất đến tiếp cận thị trường… để các địa phương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyển đổi từ nông nghiệp thâm canh sang nông nghiệp sinh thái, cũng như gắn nông nghiệp sinh thái với phát triển các loại hình du lịch đồng quê, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm…
Mặt khác là tăng cường giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ sinh thái vào sản xuất như: Mô hình canh tác hữu cơ, nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp cảnh quan…; các công nghệ vi sinh vật làm phân hữu cơ, xử lý chất thải môi trường nông thôn; công nghệ chính xác và công nghệ số phục vụ sản xuất nông nghiệp sinh thái…; đồng thời phát triển các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường.
Và đặc biệt là gắn xây dựng nông thôn mới với việc tạo dựng các cụm dân cư sinh thái, khuyến khích việc trồng cây xanh, làm đẹp cảnh quan môi trường..., qua đó tạo nên nét văn hóa mang bản sắc của vùng nông thôn; đồng thời hình thành các mô hình phát triển kinh tế dựa vào khai thác tiềm năng của hệ sinh thái.
Phát triển nông nghiệp sinh thái không chỉ để tái tạo, gìn giữ hệ sinh thái một cách bền vững mà còn tạo ra những giá trị mới cho nông nghiệp nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.