Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến tạo cho việc chấn hưng, phát triển văn hóa

Chí Kiên| 26/12/2022 06:41

(HNM) - Đảng và Nhà nước luôn hết sức coi trọng vai trò, vị trí của văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đặc biệt, gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Với tầm quan trọng đó, trong những năm qua, thể chế về văn hóa theo quan điểm của Đảng đã được xác lập nhất quán trong hệ thống pháp luật. Nội dung xuyên suốt là chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý, nhiều chính sách văn hóa đã tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Nổi bật là vấn đề phát triển con người Việt Nam toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, thiết chế văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động văn hóa…

Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách riêng khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa phát triển đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Đi tiên phong trong vấn đề này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trên bình diện chung, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng lĩnh vực văn hóa vẫn còn đó những tiềm năng chưa được khơi thông, vấn đề mới phát sinh chưa giải quyết kịp thời. Thể chế, chính sách, pháp luật về văn hóa ở góc độ nào đó còn chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, một số quy định còn hạn chế, bất cập. Chính sách cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống chưa bao quát được toàn bộ các di sản, giá trị văn hóa dân tộc; thị trường, sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn manh mún, trong khi nguồn tài sản, tài nguyên, di sản văn hóa chưa khai thác hết… Đáng nói, việc huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, cả nhân lực, vật lực và tài lực đều còn những điểm yếu cố hữu; chính sách ưu đãi khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa như thuế, phí, tín dụng còn hạn chế, chưa thực sự tạo động lực cho các chủ thể tham gia phát triển văn hóa…

Trước thực tế trên, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Trong phát biểu bế mạc Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh) chiều 17-12 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Nếu như thể chế phát triển chung của nước ta và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đều đặt ra yêu cầu phải kiến tạo phát triển và thúc đẩy hội nhập quốc tế thì thể chế và chính sách về văn hóa phải thực sự đáp ứng được yêu cầu kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng về văn hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới và tiếp thu, chọn lọc tinh hoa thế giới”.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển đất nước. Nói đến văn hóa là nói đến những tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc, nhân văn, nhân ái và tiến bộ. Vì thế, trong kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa, điều quan trọng là phải phát huy được vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân, tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, vùng, miền. Và hơn thế là cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo cho việc chấn hưng, phát triển văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.