Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên quyết xử lý vi phạm, củng cố niềm tin tiêu dùng

Thu Trang| 16/05/2016 06:54

(HNM) - Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 với chủ đề

Cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Thành Công (Ba Đình).Ảnh: Tuấn Vũ


Cần có giải pháp gì trong thời gian tới để củng cố niềm tin của người tiêu dùng?... Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh về vấn đề nói trên.

- Qua việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016, ông có nhận xét gì?


- Tháng hành động vì ATTP diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5. Kết quả kiểm tra trong khoảng thời gian này cho thấy, về cơ bản, nhận thức của những người tham gia công tác sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã có sự thay đổi rõ rệt. Đa số tuân thủ thực hiện quy định về thủ tục pháp lý như giấy chứng nhận bảo đảm VSATTP, hợp đồng nguyên liệu đầu vào, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động... Tuy vậy, việc bảo đảm quy định về vệ sinh nhà xưởng chế biến, bếp ăn một chiều, sử dụng phụ gia trong chế biến, nguồn gốc thực phẩm… ở nhiều nơi chưa đạt yêu cầu.

Chẳng hạn, kết quả kiểm tra tại nhà hàng Cung Đình nằm trong Công viên Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức) cho thấy, công tác vệ sinh môi trường trong khu vực sơ chế và chế biến thực phẩm chưa sạch sẽ, chưa được bố trí theo quy trình một chiều, để lẫn lộn thực phẩm sống và thực phẩm chín trong tủ bảo quản. Nhà hàng có sổ ghi chép việc lưu mẫu thức ăn, nhưng khi kiểm tra thực tế thì không có hộp lưu mẫu.

Đặc biệt, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP thành phố đã phát hiện 2 loại phụ gia thực phẩm đã hết hạn sử dụng và 7 loại khác không có nhãn phụ tiếng Việt. Còn tại nhà hàng Thượng Hải (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), khu vực bếp không có lưới chống côn trùng, điều kiện vệ sinh tại khu vực chế biến chưa bảo đảm theo quy định. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện 39 gói măng trúc đã hết hạn sử dụng…

- Còn kết quả kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), trường học… thì sao, thưa ông?

- Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 3.214 bếp ăn tập thể trong các KCN, KCX, trường học…, trong đó có những bếp ăn phục vụ đến 1.000 người. Qua kiểm tra, các vi phạm chủ yếu là điều kiện vệ sinh ở phòng ăn, khu chế biến thức ăn không đạt yêu cầu; thiết bị, dụng cụ đựng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; việc thực hiện quy định về lưu mẫu thực phẩm, quy trình bảo quản không được thực hiện nghiêm...

Có nhiều ví dụ cho điều đã nói ở trên. Chẳng hạn, khi kiểm tra căng tin của Trường Đại học Ngoại thương, phát hiện một số xúc xích hết hạn được bảo quản trong tủ đá; thịt, pa tê đã qua sơ chế nhưng không ghi rõ nguồn gốc. Ngoài ra, căng tin này còn mắc một số lỗi như khu vực chế biến không bảo đảm vệ sinh; thực phẩm chín và sống không được để riêng. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở tiêu hủy gần 20kg thực phẩm các loại và tiến hành xét nghiệm nhanh đối với một số bát ăn tại căng tin này, kết quả cho thấy chỉ có 1/5 số bát bảo đảm vệ sinh…

- Thực tế cho thấy sau những đợt thanh, kiểm tra là hiện tượng vi phạm trong lĩnh vực VSATTP lại tái diễn, một phần là do việc xử phạt, nhất là ở tuyến quận/huyện, xã/phường chưa kiên quyết, chủ yếu là nhắc nhở. Vậy, trong Tháng hành động vì ATTP 2016, tình hình có được cải thiện không, thưa ông?

- Đúng là trước đây, do công tác quản lý VSATTP ở một số nơi mới chỉ dừng ở mức độ kiểm tra, nhắc nhở nên không mang lại hiệu quả cần thiết. Tuy vậy, trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong Tháng hành động vì ATTP 2016, nhiều nơi đã "mạnh tay" hơn trong việc kiểm tra, xử lý sai phạm. Đơn cử như quận Thanh Xuân, từ đầu năm 2016 đến nay quận đã thành lập 15 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP. Riêng trong đợt cao điểm Tháng hành động vì ATTP 2016, quận đã kiểm tra 566 cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, kinh doanh rau, thịt, kinh doanh dịch vụ ăn uống và đã xử phạt hành chính đối với 30 cơ sở vi phạm về ATTP, tổng số tiền hơn 95 triệu đồng.

Từ đầu năm 2016 đến nay, quận Đống Đa đã thành lập 23 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP. Trong đợt cao điểm Tháng hành động vì ATTP, các đoàn kiểm tra liên ngành đã thanh tra, kiểm tra 1.167 cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, kinh doanh rau thịt, kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó lập biên bản xử lý 75 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 160 triệu đồng. Cũng trong Tháng hành động vì ATTP, các phường trên địa bàn quận Ba Đình đã kiểm tra 233 cơ sở chế biến và kinh doanh dịch vụ ăn uống; xử phạt 22 cơ sở có vi phạm, tiêu hủy 23kg gia cầm...

Dẫn những ví dụ cụ thể nói trên, tôi muốn khẳng định, Hà Nội đã triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP một cách nghiêm túc, đồng bộ, có sự phân cấp từ thành phố tới quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

- Qua Tháng hành động vì ATTP 2016, ông có đề xuất gì để nâng cao hiệu quả quản lý ATTP?

- Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ATTP cũng đã được đẩy mạnh. Theo tôi, công tác quản lý bảo đảm VSATTP cần phải được làm thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ riêng trong Tháng hành động vì ATTP, điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành phải phối hợp tốt hơn nữa, chủ động hơn nữa. Tôi cho rằng, cần phải duy trì trạng thái kiên quyết thanh - kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời tăng cường "bêu tên" các cơ sở vi phạm để người dân biết và tẩy chay. Việc cần làm khác là thường xuyên biểu dương các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch, đưa ra khuyến cáo để người dân biết, tìm đến những cơ sở này. Nếu không rõ ràng, người tiêu dùng sẽ mất lòng tin, gây ảnh hưởng không có lợi đối với những cơ sở sản xuất đàng hoàng.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết xử lý vi phạm, củng cố niềm tin tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.