(HNM) - Đầu năm 2012, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra 38 trường ĐH, CĐ trong phạm vi cả nước. Kết quả Bộ GD-ĐT vừa công bố cho thấy có nhiều vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng, dẫn tới Bộ đã phải dừng tuyển sinh năm 2012 đối với 1 trường CĐ và 5 ngành của 5 trường ĐH, CĐ khác.
Ráo riết kiểm tra
Theo thông tin tại cuộc họp báo do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 4-5, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Hà Nội bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 do tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao (93 sinh viên mới có 1 giảng viên), chưa có đất xây dựng trường. Một ngành của Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi, một ngành của Trường ĐH Yersin Đà Lạt, một ngành của Trường ĐH Phú Xuân, một ngành của Trường ĐH Thành Tây cũng bị đình chỉ do có tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao. Ngoài ra một ngành của Trường CĐ Bách nghệ Tây Hà bị đình chỉ do 3 năm liền không tuyển sinh được.
Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hà Nội là một trong những trường bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012. Ảnh: Huyền Linh |
Bên cạnh đó, nhiều trường còn rất khó khăn, thiếu thốn về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Trong số 38 trường được kiểm tra vừa qua, có 7 trường có dưới 50 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, 42 ngành đào tạo ĐH chưa có tiến sỹ đúng ngành, 25 ngành cao đẳng chưa có thạc sỹ đúng ngành; một số trường chưa có đất hoặc có đất hẹp dưới 1ha; một số trường thuê mướn ngắn hạn nhiều cơ sở khác nhau. Một số ngành đào tạo phát triển quá "nóng", có ngành như Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Thành Tây có tới 423 sinh viên/giảng viên.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT còn cho biết Bộ đang tổ chức thanh tra, xử lý sau thanh tra đối với hoạt động liên kết đào tạo tại Trường ĐH Y Hải Phòng với các trường Trung cấp Y Dược Văn Hiến, CĐ Y tế Ninh Bình, Trung cấp Y Dược Thăng Long. Đồng thời Bộ đã xây dựng kế hoạch thanh tra và thanh tra hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài tại 7 đơn vị: Trường Kinh doanh Melior, Trường Quản trị tài chính IFA, Trường CNTT và Quản trị kinh doanh (Sibme), Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM), Trung tâm Đào tạo FTMS, Trường ĐH Hoa Sen và Viện ĐH Mở Hà Nội. Ông Huy Bằng cho biết, kết quả bước đầu cho thấy 7 đơn vị này đều có những sai phạm tương tự các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài đã bị đình chỉ thời gian vừa qua.
"Đối phó" nhưng "tích cực"
Trước ý kiến cho rằng Bộ đã quá chậm trễ trong việc công bố đình chỉ tuyển sinh dẫn tới ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, mặc dù có ảnh hưởng tới một bộ phận thí sinh, song về tổng thể, tác động tích cực của việc xử lý là rất lớn. Sau đợt đình chỉ tuyển sinh thực hiện cuối năm 2011, năm nay có trường chỉ trong vòng 3 tháng đã tuyển dụng hàng trăm giảng viên. "Tất nhiên có thể có yếu tố đối phó ở đây, song đó là dấu hiệu tích cực, bởi trước kia các trường không quan tâm, còn nay thì rất quan tâm", ông Bằng nhấn mạnh và đưa ra các dẫn chứng: Trường CĐ Công nghiệp Cao su, Trường ĐH Quang Trung, Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, Trường ĐH Thành Đông... đã có đất sử dụng ổn định, lâu dài với diện tích lớn. Trường ĐH Yersin Đà Lạt, Trường ĐH Quảng Nam, Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa... đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang phục vụ đào tạo. Đội ngũ giảng viên của các trường cũng được bổ sung về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Một số trường có tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học cao như Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đạt 82%, Trường Đại học Quảng Nam đạt 61,9%... Tuy nhiên, Chánh Thanh tra Bộ lại không đả động gì tới những vất vả, nhiêu khê mà các trường ĐH, CĐ và học viện phải gánh khi họ phải làm công tác rà soát hồ sơ của thí sinh đã trót đăng ký vào các trường bị đình chỉ, để giúp các em đăng ký lại. Thậm chí ngay trong khi cuộc họp báo đang diễn ra, tức là chỉ còn 5 ngày trước khi bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi, trên website của Bộ GD-ĐT lại tiếp tục công bố đình chỉ thêm Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn. Cùng với tác động tích cực trong việc xử lý của Thanh tra Bộ, một mùa tuyển sinh báo hiệu nhiều điều vất vả đã bắt đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.