Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên quyết cắt giảm đầu tư công

VGP News| 29/04/2011 15:53

Để thực hiện kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiên quyết cắt giảm các dự án chưa cần thiết, kém hiệu quả bằng vốn NSNN, dồn vốn đầu tư vào các công trình cấp bách, quan trọng, hoàn thành trong năm 2011.


Trong hai ngày 28 – 29/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4/2011 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, bàn giải pháp chỉ đạo điều hành tháng 5/2011.


Rà soát, cắt giảm đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, hầu hết các bộ ngành, địa phương đã tiến hành rà soát, cắt giảm và điều chuyển vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Theo đó, các Bộ, ngành Trung ương đã cắt giảm 172 dự án khởi công mới, 53 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn cắt giảm là 899,4 tỷ đồng. Đồng thời các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc trung ương đã tiến hành điều chuyển vốn cho 280 dự án.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cắt giảm 880 dự án khởi công mới và 604 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn hơn 4.229 tỷ đồng. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng đã tiến hành rà soát, đình hoãn, giãn tiến độ 907 dự án với tổng số vốn trên 39.212 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, kiên quyết cắt giảm, không khởi công mới các dự án chưa cần thiết, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải bằng nguồn vốn NSNN để dồn vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thiết thực; đồng thời công bố công khai.

Thị trường tiền tệ, tín dụng: Tín hiệu tích cực

Các thành viên Chính phủ nhận định, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai chính sách về tiền tệ tín dụng, lãi suất, quản lý vàng và ngoại tệ, cũng như các chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, bước đầu đã đem lại những kết quả bước đầu.

Tổng phương tiện thanh toán giảm 0,69%, tăng trưởng tín dụng giảm qua từng tháng, chỉ tăng có 5,29% so với cuối năm 2010 và nhiều khả năng đạt dưới 20% trong năm 2011.

Thị trường ngoại hối dần đi vào ổn định. Người dân và doanh nghiệp bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng sát với tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại. Chỉ số vàng và USD giảm. Giá vàng trong nước đã thấp hơn với giá vàng thế giới.

Các thành viên Chính phủ cũng tập trung phân tích về nguyên nhân giá tiêu dùng tháng 4/2011, là tháng có mức tăng cao nhất trong gần 3 năm qua (3,32%). Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do giá hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng mạnh đã gây áp lực tăng giá thị trường hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, phản ứng dây chuyền và tác động tâm lý sau khi có sự điều chỉnh một số mặt hàng thiết yếu như giá xăng, điện, gas, than bán cho điện, tỷ giá VND/USD, tăng lãi suất,…cũng đã góp phần làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng.

Xuất khẩu tăng ấn tượng

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào tăng cao, sản xuất công nghiệp trong cả nước duy trì mức tăng 14,2%, trong đó nổi lên là khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt tốc độ tăng cao hơn mức tăng toàn ngành.

Sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục ổn định tuy gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đồng bằng sông Cửu Long được mùa vụ Đông Xuân, thủy sản tăng 3,1%.

Đặc biệt, xuất khẩu đạt nhiều kết quả ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2011 ước đạt 7,3 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 26,9 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao như dầu thô, cao su, sắt thép, dệt may, giày dép, hàng điện tử, máy tính, thủy sản, cà phê…

Chú trọng an sinh

4 tháng đầu năm 2011, các cấp, các ngành và đoàn thể từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 13,9 nghìn tấn lương thực và 2,6 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công và hộ nghèo đời sống gặp nhiều khó khăn.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính bố trí khoản kinh phí trên 371 tỷ đồng để hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo tháng 3 và quý II/2011.

Từ đầu năm đến nay, các Bộ, ngành, địa phương cũng tạo việc làm cho gần 500 nghìn người, riêng tháng 4/2011 đã tạo việc làm cho 142 nghìn người.

Không để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết 02, Nghị quyết 11 của Chính phủ và Kết luận của Bộ Chính trị về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Các chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng bước đầu đã đạt kết quả tích cực; sản xuất công nông nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu, thu ngân sách,…đạt được kết quả đáng khích lệ.

Đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người có thu nhập thấp được quan tâm. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng được tổ chức tốt với nhiều nội dung phong phú, sôi động. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, trước chiều hướng lạm phát và giá cả thế giới tăng cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải thường xuyên cập nhật tình hình, tăng cường công tác dự báo.

Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kiên trì, đồng bộ các giải pháp và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ về bình ổn giá, thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, cắt giảm nhập khẩu các hàng xa xỉ phẩm, nhất là ô tô nguyên chiếc.

Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, chúng ta đã thành công trong việc điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu theo cơ chế thị trường; bước tiếp theo phải tăng cường minh bạch, kiểm soát giá, không để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Ngân hàng cần thực hiện các giải pháp để tiếp tục duy trì ổn định lãi suất huy động, đồng thời tiết kiệm chi phí hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo lãi suất cho vay ở mức hợp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Ngân hàng nào không thực hiện, kiên quyết đình chỉ, rút giấy phép kinh doanh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở các Bộ, ngành, địa phương thực hiện kiên quyết việc tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước ở các công trình chưa cấp bách và điều chuyển vốn vào các công trình cấp thiết, có khả năng hoàn thành trong năm nay. Tích cực, chủ động phòng chống lụt bão, thiên tai, bảo đảm ổn định sản xuất nông nghiệp. Thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm điện, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt; có các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách, người làm công ăn lương.

Thủ tướng cũng nhắc nhở các cấp các ngành đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra; tích cực ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông; chuẩn bị tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016…

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng đóng góp ý kiến cho dự thảo Chương trình hành động triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 – 2015; dự án Luật Giáo dục; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; báo cáo về công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009 trước khi trình Quốc hội…/.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết cắt giảm đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.