(HNMO) - GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể cho biết nhiều ý kiến lo lắng về tiến độ thực hiện chương trình rất có cơ sở.
Ban phát triển chương trình kiến nghị Bộ GD-ĐT triển khai chương trình mới theo từng bước cụ thể |
Sau hơn nửa tháng được đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để lấy ý kiến nhân dân, dự thảo chương trình GDPT tổng thể đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học trong và ngoài ngành, giảng viên đại học, giáo viên và HS phổ thông ...
Cùng với việc việc tiếp thu ý kiến từ các phương tiện thông tin đại chúng, Ban Phát triển chương trình cũng đang tập hợp ý kiến của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở, HS và phụ huynh HS từ 63 tỉnh, thành phố thông qua các hội nghị, các cuộc khảo sát thực địa, phỏng vấn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, HS, phụ huynh HS và điều tra bằng phiếu hỏi đối với cán bộ, giáo viên và HS trung học phổ thông cả nước.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo chương trình GTPT tổng thể và cho rằng dự thảo chương trình đã quán triệt quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Chính phủ, kế thừa, phát huy ưu điểm của các chương trình GDPT đã có, đồng thời tiếp cận xu hướng quốc tế về xây dựng chương trình phát triển năng lực người học, thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục.
Bên cạnh những đánh giá tích cực về dự thảo, Ban Phát triển chương trình cũng thu nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp cho chương trình, cụ thể là về một số vấn đề như căn cứ xác định các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của HS; một số phẩm chất, năng lực cụ thể; số lượng môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD); tên các môn học và HĐGD; thời lượng học tập; tiến độ triển khai chương trình.
Không tổ chức dạy môn Thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2
Để các tầng lớp nhân dân tập trung góp ý cho những điểm thật sự còn hạn chế, nhằm hoàn thiện dự thảo chương trình, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, bước đầu, Ban Phát triển chương trình có một số giải trình và nghiên cứu tiếp thu các nhóm ý kiến đã nêu trên.
Riêng về thời lượng học tập, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, chương trình mới đã giảm số môn học, thời lượng học so với chương trình hiện hành và còn thấp hơn chương trình các nước. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến phê bình, Ban Phát triển chương trình dự kiến báo cáo Hội đồng Thẩm định Quốc gia không tổ chức dạy môn Thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy Tin học và Tìm hiểu công nghệ từ lớp 3. Điều này cũng nhằm giảm áp lực phải trang bị phòng máy tính cho các trường tiểu học ngay từ năm đầu tiên triển khai chương trình mới.
Số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 cũng sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần.
Về tên một số môn học mới, thực chất, hầu hết các môn học trong dự thảo chương trình tổng thể đều được phát triển trên cơ sở những môn đã có trong chương trình hiện hành. Ví dụ, từ lớp 1 đến lớp 3 có môn "Cuộc sống quanh ta", được xây dựng trên cơ sở môn Tự nhiên và Xã hội trong chương trình hiện hành. Chương trình nhiều nước cũng có môn học này với tên gọi tương tự. Lên lớp 4, lớp 5, môn học này phân hóa thành 2 môn Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội; ở cấp THCS là 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Việc dạy học tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp trên phù hợp với quá trình nhận thức của học sinh...
Kiến nghị về tiến độ thực hiện chương trình
Trước nhiều ý kiến lo lắng về khả năng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai chương trình mới từ đầu năm học 2018 - 2019, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đây là những lo lắng rất có cơ sở.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và nhân dân, Ban Phát triển chương trình kiến nghị Bộ GD-ĐT triển khai chương trình mới theo từng bước, cụ thể : Trong năm học 2018 - 2019, cho triển khai đại trà CT mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10.
Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6, dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10 v.v...
Đến năm học 2022 - 2023, chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra.
Như vậy, với lộ trình này, các địa phương sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.