(HNMO) - Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 5-6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo cần mở rộng các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội để bảo đảm độ bao phủ đúng đối tượng của chính sách.
Phải dành nguồn lực nhất định cho phát triển nhà ở xã hội
Theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh), công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân cần được hưởng chính sách liên quan đến mua, thuê mua nhà ở xã hội chứ không chỉ riêng đối tượng này đang công tác tại khu công nghiệp, khu chế xuất như dự thảo luật quy định.
"Bên cạnh đó, tôi kiến nghị Quốc hội xem xét lại mức thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân bởi quy định hiện hành nay đã lạc hậu, mức chi phí cho nuôi con và sinh hoạt thiết yếu tại thành phố rất cao, công nhân hầu không có dư, không đủ kinh phí để mua nhà ở xã hội”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Đoàn thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị về quy định bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm bố trí quỹ đất và dành nguồn lực nhất định để đầu tư cho nhà ở xã hội. Chủ đầu tư khu đô thị, nhà ở thương mại phải đóng góp 20% quỹ đất quy ra bằng tiền để chính quyền địa phương bố trí xây dựng nhà ở xã hội.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình), trên thực tế chưa có quy định cụ thể về “nơi sinh sống” dẫn đến việc xác định và chứng minh các đối tượng trên chưa có nhà ở thuộc sở hữu, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội là rất khó khăn, bất cập. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ về “nơi sinh sống” của các đối tượng trên để tránh tình trạng trục lợi chính sách.
Với việc xác định thu nhập đầy đủ của các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội là rất khó khăn, đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm xác nhận thu nhập của các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội nhằm bảo đảm minh bạch, chính xác trong thi hành luật.
Đưa đối tượng nhà trọ vào luật
Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà trọ cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động. "Cần phải đưa đối tượng nhà trọ vào luật, từ đó chuẩn hóa các khu nhà trọ, huy động sức dân, bảo đảm cho người thu nhập thấp được sinh sống trong các khu nhà trọ chất lượng”, đại biểu nói.
Nêu ý kiến tại tổ về giá nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Đoàn Bình Định) phân tích, nhà ở xã hội có 2 loại: Do Nhà nước đầu tư và do doanh nghiệp đầu tư. Theo Bộ trưởng, nếu nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư thì dự thảo quy định rõ UBND tỉnh có thẩm quyền giao chủ đầu tư thực hiện và quy định giá bán và giá thuê.
“Đất nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên khi Nhà nước làm thì quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Với nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính thấy, dự thảo luật chưa quy định “giá bán là ai duyệt”. Nhưng Bộ trưởng cho rằng, đã là nhà ở xã hội thì Nhà nước phải duyệt giá. Giải thích cho đề xuất này, theo Bộ trưởng, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, nhưng đất là Nhà nước giao đất sạch, không thu tiền sử dụng đất, thì Nhà nước phải khống chế mức bán tối đa. Có như vậy, nhà ở xã hội mới bán, cho thuê đúng đối tượng. Còn nếu không khống chế giá bán tối đa, sẽ rơi vào “kênh” nhà ở thương mại.
Về quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cần làm rõ nguồn vốn đầu tư nhà ở. Bên cạnh đó, sau khi được đầu tư, đơn vị này sẽ bán và cho thuê. Đồng thời, nên mở rộng hình thức cho thuê, sẽ phù hợp hơn với điều kiện hiện nay.
Theo đại biểu Mai Văn Hải, trong quy định đang bó hẹp đầu tư của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi chỉ cho đoàn viên, công đoàn trong khu công nghiệp, chế xuất thuê, mua. "Nên mở rộng đối tượng gia đình chính sách, người thu nhập thấp, nghèo, cận nghèo tiếp cận. Điều này sẽ hạn chế việc đầu tư xong "ế", không bán được", đại biểu Mai Văn Hải nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.