(HNM) - Thời gian qua, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng mức độ vi phạm vẫn ở mức báo động...
Rau, thịt, thủy sản... tồn dư chất kháng sinh, thương lái lợi dụng kẽ hở của pháp luật để bán hàng không bảo đảm chất lượng ra thị trường... Đó là những nhận định tại hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 4-4.
Tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp đang khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại. Ảnh: Đàm Duy |
Mức độ vi phạm còn cao
Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT), việc kiểm tra mức độ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) của các sản phẩm thủy sản không có chiều hướng giảm mà còn tăng lên. Năm 2010, tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi vượt giới hạn cho phép là 1,3%, năm 2011 là 1%; năm 2012 tăng lên 1,5%. Tỷ lệ hóa chất bảo quản, ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong thủy sản sau thu hoạch năm 2010 là 3,5%; năm 2011 là 5,5%; năm 2012 là 5,3%. Kết quả giám sát ô nhiễm vi sinh vật trong thịt lợn, thịt gà năm 2011 tại 8 tỉnh, thành phố và năm 2012 tại 17 tỉnh, thành phố cho thấy ô nhiễm vi sinh vật tại các cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh thịt còn ở mức cao (tỷ lệ mẫu thịt lợn vi phạm năm 2012 vẫn chiếm 10%). Tại cơ sở tỷ lệ mẫu vi phạm ở các cơ sở kinh doanh thịt gà cũng năm sau tăng hơn năm trước (năm 2011 phát hiện 30,77% mẫu nhiễm chất Salmonella, năm 2012 phát hiện 38,7%). Ngoài ra, theo báo cáo của các địa phương, thời gian qua, ngành chức năng đã kiểm tra 12.086 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản, phát hiện có 961 cơ sở vi phạm (chiếm 18,7%); 364/5.330 mẫu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và nitrate vượt giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, việc kiểm tra thực phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nội tạng động vật và gà thải loại nhập theo đường tiểu ngạch. Tại Hà Nội, trong tháng 3 vừa qua, lực lượng liên ngành đã kiểm tra và xử lý 15 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thú y, trong đó cảnh cáo 4 trường hợp; tiêu hủy 28kg gia cầm, 43kg thịt lợn, 705 con gà giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không bảo đảm chất lượng ATVSTP. Theo nhận định của Cục Thú y, gia cầm lậu tuồn về Hà Nội trung bình mỗi ngày vẫn còn 3-4 tấn.
Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng, hiện nay việc kiểm tra các loại hóa chất bảo quản trong rau, củ, quả sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu đã được triển khai quyết liệt, nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn nhiều. Kết quả giám sát tồn dư thuốc BVTV trong rau tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ mẫu có tồn dư thuốc BVTV khá cao (năm 2012 có 96/1.200 mẫu (chiếm 8%) vi phạm).
Nhiều mặt hàng thủy sản khi đưa ra thị trường không bảo đảm chất lượng. Ảnh: Trí Minh |
Xây dựng chuỗi liên kết an toàn
Tại hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, để từng bước giảm mức độ vi phạm về ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới các ngành cũng như chính quyền địa phương cần đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về chất lượng ATVSTP trực tiếp đến người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nông sản nhập khẩu để bảo đảm an toàn. Trong trường hợp phát hiện lô hàng không đạt chất lượng thì áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp như tái xuất, tiêu hủy và thông báo đến cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu yêu cầu điều tra nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục nhằm tránh tái diễn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, hiện sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng được 60-65% nhu cầu thực phẩm, còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Do đó, vấn đề ATVSTP luôn được thành phố đặt lên hàng đầu. Đối với sản phẩm rau an toàn (RAT), để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, hiện Hà Nội đã dán tem nhãn cho cơ sở sản xuất RAT nên số lượng tiêu thụ ngày càng nhiều. Hiện Hà Nội có khoảng 300 điểm phân phối RAT, nhưng thời gian tới thành phố sẽ bố trí mỗi khu phố, nhà cao tầng sẽ có một điểm phân phối RAT…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ATTP, các ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát và có quy hoạch các vùng sản xuất RAT, cơ sở giết mổ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường chỉ đạo hỗ trợ nông dân thực hiện quy trình sản xuất tốt (VietGAP). Thực hiện quản lý sản phẩm nhập khẩu, đấu tranh chống buôn lậu. Hiện nay, dịch cúm gia cầm xuất hiện chủng mới H7N9, dịch lở mồm long móng… nhưng tình trạng buôn lậu gia cầm, trâu bò, nông sản vẫn diễn biến phức tạp nên có nguy cơ dịch bệnh tràn vào nước ta là thường trực. Ngoài ra, cần phải quản lý nông sản thực phẩm theo chuỗi sản phẩm, nếu kiểm tra khâu nào yếu thì tập trung vào khâu đó để gỡ khó, từng bước giảm mức độ vi phạm về ATVSTP xuống còn 10% trong năm 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.