Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát thực phẩm thịt trên thị trường: Rõ lộ trình, giải pháp

Ngọc Quỳnh| 06/07/2022 06:15

(HNM) - Nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt "Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội", mới đây, ngành Nông nghiệp đã đề xuất thành phố Hà Nội quy định lộ trình cụ thể cho việc kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm thịt có kiểm soát lưu thông trên thị trường giai đoạn 2023-2030. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm từ lò mổ tới thị trường.

Dây chuyền đóng gói thực phẩm tại Công ty cổ phần CP Việt Nam (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ánh Ngọc

40% thực phẩm thịt chưa được kiểm soát

Nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm hiện nay của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 1.000 tấn/ngày, nhưng chỉ 60% lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn được kiểm soát nguồn gốc, còn lại là do các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đưa ra thị trường.

Lý giải tình trạng trên, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) Vũ Đức Quỳnh cho biết, một số nơi chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, dẫn đến vẫn còn tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, hiện việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm ngoài các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thì từ thương lái đưa vào các chợ dân sinh vẫn chưa chặt chẽ. Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đề xuất với thành phố quy định lộ trình chỉ cho phép kinh doanh tiêu thụ sản phẩm thịt có kiểm soát ra thị trường, giai đoạn 2023-2025 áp dụng cho các quận nội thành, giai đoạn 2026-2030 áp dụng cho các huyện có quyết định lên quận, sau năm 2030 áp dụng trên toàn thành phố. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thịt gia súc, gia cầm từ các lò mổ tới chợ dân sinh, nếu không có dấu kiểm dịch thú y và được lấy từ các lò mổ tập trung sẽ không được lưu thông trên thị trường.

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Bùi Quang Vinh nhận định, việc Hà Nội chỉ cho phép sản phẩm gia súc, gia cầm được các ngành chức năng kiểm soát, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... lưu thông trên thị trường sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư rất lớn, trong khi đó người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng thịt nóng, chưa qua kiểm soát.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang, hiện tại thực phẩm bán tại các chợ ở khu vực nông thôn chủ yếu theo phương thức tự cung, tự cấp, hầu hết chưa được kiểm soát về nguồn gốc. Trên địa bàn huyện Mỹ Đức chưa có điểm giết mổ tập trung nên việc triển khai quy định sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc Hà Nội chỉ cho phép kinh doanh thực phẩm có kiểm soát không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm sạch của người dân mà còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Trong quá trình triển khai phải có giải pháp, lộ trình cụ thể, cần triển khai trước ở khu vực nội thành, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn thành phố.

Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm chất cấm ở lợn được giết mổ tại Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín). Ảnh: Cấn Minh

Khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung

Để từng bước kiểm soát thực phẩm trên thị trường, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi (huyện Đan Phượng) Trần Văn Thắng đề xuất, cùng với việc vận động, người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ (quầy bàn, tủ bảo quản sản phẩm) mở thí điểm cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch ở các chợ nông thôn; tập huấn cho tiểu thương về kiến thức an toàn thực phẩm...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, trong thời gian xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các địa phương nên thu gom cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thành một số điểm nhất định, bảo đảm cho công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh thú y; giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: Đưa thực phẩm sạch tới bàn ăn của người Hà Nội là việc cần làm. Do đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu UBND thành phố Hà Nội về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn phù hợp với đặc thù phát triển của Thủ đô; đồng thời ban hành quy định cụ thể về quản lý sản phẩm động vật được tiêu thụ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Cùng với đó là mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thịt an toàn, có truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý; tăng tỷ lệ tiêu thụ thịt mát, thịt cấp đông...

Mặt khác, theo ông Tạ Văn Tường, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật…

Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, Hà Nội cần có lộ trình rõ ràng, cụ thể từ quy hoạch các điểm giết mổ tập trung theo quy định đến việc phối hợp với các địa phương đưa thực phẩm sạch về thành phố tiêu thụ theo chuỗi liên kết được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

Với những quy định và lộ trình cho phép kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm có kiểm soát trên thị trường cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, vấn nạn kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ dần được đẩy lùi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát thực phẩm thịt trên thị trường: Rõ lộ trình, giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.