Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát súng đạn tại Mỹ: Vẫn là “bài toán” khó giải

Quỳnh Dương| 28/05/2022 07:19

(HNM) - Bất chấp nhiều lời kêu gọi được đưa ra trong những năm gần đây, việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ vẫn là một “bài toán” khó giải. Đa phần những nỗ lực nhằm thông qua các hạn chế mới về súng đều thất bại. Thảm kịch tại Trường Tiểu học Robb ở bang Texas khiến 21 nạn nhân thiệt mạng, trong đó có 19 học sinh ngày 25-5 vừa qua tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động cho vấn nạn này của nước Mỹ.

Trường Tiểu học Robb, bang Texas (Mỹ), nơi vừa xảy ra vụ xả súng khiến 19 học sinh thiệt mạng.

Theo Small Arms Survey - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), Mỹ là quốc gia có nhiều người dân sở hữu vũ khí nhất trên thế giới. Ước tính, người Mỹ hiện sử dụng khoảng 400 triệu khẩu súng. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng người mua súng tại Mỹ gia tăng đáng kể. Thống kê của Cục điều tra liên bang Mỹ cho thấy, năm 2021, có tới 691 vụ xả súng ở nước này với số nạn nhân lên tới 44.750 người. Số vụ tấn công bằng súng năm 2021 tăng 52,5% so với năm 2020 và tăng 96,8% kể từ năm 2017.

Trên thực tế, bạo lực súng đạn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, kéo dài và khó giải quyết nhất ở Mỹ. Nhiều năm qua, nội bộ xứ Cờ hoa chia rẽ sâu sắc trong việc kiểm soát súng đạn. Mặc dù vấn đề này luôn là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của cử tri trước mỗi kỳ bầu cử quan trọng, song chưa bao giờ các nghị sĩ 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đạt được sự thống nhất. Phần lớn đảng Cộng hòa phản đối mạnh việc hạn chế súng vì cho rằng dự luật như vậy sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ về quyền sở hữu súng trong khi không giúp người dân Mỹ an toàn hơn. Lâu nay, phe Cộng hòa, với quan điểm ủng hộ các giá trị về tư tưởng và lợi ích của các tập đoàn công nghiệp vũ khí, thường hậu thuẫn để bảo đảm quyền sử dụng súng của người dân Mỹ. Việc ngăn chặn các nỗ lực của chính quyền mới cũng như của phe Dân chủ trong vấn đề siết chặt kiểm soát súng có thể giúp ngành công nghiệp vũ khí, vốn đóng vai trò không nhỏ tại Mỹ, tránh được nguy cơ đứng trước bờ vực phá sản, đồng thời, giúp các tập đoàn sản xuất vũ khí thu về nguồn lợi nhuận lớn.

Kể từ khi nhậm chức đầu năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy các biện pháp an toàn súng đạn và thông qua các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát. Mới nhất, ông chủ Nhà Trắng ngày 11-4 đã ra sắc lệnh hành pháp bổ sung nhiều biện pháp giảm thiểu tình trạng tội phạm liên quan đến súng đạn và làm cho cộng đồng an toàn hơn. Đây cũng là một phần lý do mà Kế hoạch giải cứu nước Mỹ (ARP) được chính quyền và đảng Dân chủ thúc đẩy, trong đó cung cấp mức tài trợ lịch sử nhằm tăng cường lực lượng cảnh sát và đầu tư vào các chương trình can thiệp, ngăn chặn bạo lực dựa vào cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) công bố một loạt các hành động mới quan trọng nhằm ngăn chặn luồng súng được sử dụng để gây bạo lực và hỗ trợ thực thi pháp luật trong nỗ lực chống tội phạm súng đạn. DOJ cũng khởi động "Sáng kiến quốc gia ngăn chặn súng ma", truy nã và xét xử những kẻ bán súng bất hợp pháp. Tuy nhiên, Tổng thống J.Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn chưa giành được đủ phiếu tại Quốc hội để thông qua luật yêu cầu kiểm tra lý lịch trước khi mua súng cũng như các đề xuất khác liên quan.

Ngay sau khi thảm kịch tại Trường Tiểu học Robb xảy ra, Tổng thống Mỹ J.Biden đã yêu cầu người dân nước này đấu tranh và gây áp lực với các thành viên của Quốc hội, nhằm thông qua các dự luật kiểm soát súng đạn. Ông cũng đề nghị tái khôi phục lệnh cấm mua bán vũ khí tấn công và các luật khác liên quan đến quyền sở hữu súng. Các nhà bình luận cho rằng, chủ đề này sẽ tiếp tục châm ngòi cho các cuộc tranh cãi mới tại cơ quan lập pháp Mỹ trong bối cảnh các cuộc bầu cử giữa kỳ chuẩn bị diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát súng đạn tại Mỹ: Vẫn là “bài toán” khó giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.