Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát giá thuốc - không dễ

Trúc Linh - Diệu Thúy| 04/07/2011 06:45

(HNM) - Thông tư số 15/2011/TT-BYT quy định về tổ chức và hoạt động của nhà thuốc bệnh viện (NTBV) do Bộ Y tế ban hành đã có hiệu lực từ ngày 10-6-2011. Cũng từ thời điểm này, NTBV phải niêm yết giá bán lẻ của từng loại thuốc, không được bán cao hơn giá niêm yết và giá thuốc cùng loại trên thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 20 ngày triển khai, giá thuốc vẫn còn "vênh".

Giá trong cao hơn giá ngoài - Nghịch lý

Hằng ngày, trung bình mỗi bệnh viện (BV) đón tiếp hàng trăm, hàng nghìn lượt người đến khám, chữa bệnh. Ở các BV lớn như Bạch Mai, K, Việt - Đức… ước có khoảng từ 2 đến 3 nghìn lượt bệnh nhân đến khám. Điều này cũng có nghĩa mỗi ngày sẽ có ít nhất hàng trăm người phải mua thuốc theo đơn chỉ định của bác sỹ để điều trị. Tâm lý chung của người bệnh đều tin tưởng vào NTBV về cả chất lượng thuốc lẫn giá cả. Vì thế, việc chấp hành nghiêm và đúng quy định về giá thuốc, nhất là ở các NTBV có ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Nếu giá mỗi loại thuốc chỉ chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) vài nghìn đồng so với giá ngoài thị trường thì số tiền "vênh" cho một đơn thuốc cũng sẽ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn khi mua số lượng nhiều.

Mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Linh Tâm

Sau khi Thông tư 15 có hiệu lực, tìm hiểu một số NTBV trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá thuốc đều được niêm yết đầy đủ, rõ ràng để người bệnh tiện theo dõi. Có nhiều loại thuốc ở NTBV giá thấp hơn nhiều so với giá ngoài thị trường. Đơn cử, theo đơn thuốc chữa viêm xoang, viêm họng mạn tính của bệnh nhân Nguyễn Tài Thanh (16 tuổi, quê ở Anh Sơn, Nghệ An) tại BV Bạch Mai, tổng giá trị tiền thuốc mua tại NTBV là 1.098.000 đồng, trong khi cũng đơn thuốc này, mua tại một nhà thuốc trên phố Quán Sứ là 1.140.000 đồng. Chỉ tính riêng thuốc Oridiner 300mg, mặc dù giá mỗi viên chỉ chênh lệch 3.000 đồng (giá của NTBV Bạch Mai là 21.000 đồng/viên, còn của nhà thuốc ngoài là 24.000 đồng/viên) thì khi mua đủ liều 30 viên theo đơn bác sỹ kê, số tiền chênh lệch đã lên tới 90.000 đồng. Đối với những bệnh nhân nghèo thì thêm vài nghìn đồng cho một viên thuốc cũng là một gánh nặng.

Giá thuốc của bệnh viện thấp hơn ngoài thị trường luôn là mong muốn của người bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số NTBV bán giá cao hơn ngoài thị trường. Đối chiếu hóa đơn thu tiền đơn thuốc chữa viêm phế quản của bệnh nhi Nguyễn Thu Hà tại NTBV Thanh Nhàn cho thấy rõ điều này: Thuốc Rozone 1g (3 lọ), mua ở NTBV Thanh Nhàn là 244.200 đồng nhưng mua tại nhà thuốc 264 Lê Thanh Nghị là 150.000 đồng; tương tự, thuốc Ventolin 2,5ml (10 tuýp) giá tương ứng ở hai cơ sở là 53.000 đồng và 50.000 đồng; Pulmicort 500mcg/2ml (10 tuýp) là 152.000 đồng và 145.000 đồng. Trong đơn thuốc của anh Nguyễn Quốc Chí (25 tuổi, Kiến An, Hải Phòng) có thuốc Merabe 20mg (30 viên) mua tại NTBV Bạch Mai giá 226.800 đồng, trong khi nhà thuốc trên phố Quán Sứ bán 150.000 đồng và chỉ có 90.000 đồng tại nhà thuốc 203 đường Giải Phóng.

"Siết giá" từ đấu thầu và quản lý

Để quản lý giá thuốc BV ngay từ khâu đầu, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa hoàn thành dự thảo thông tư liên tịch thay thế Thông tư số 10 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc. Điểm mới của dự thảo này là cơ quan bảo hiểm sẽ tham gia cùng hội đồng thầu của BV thẩm định các gói thầu thuốc cũng như chọn các loại thuốc trong điều trị cho hợp lý. Hiện tại, với vai trò là đại diện cho quỹ tài chính của người bệnh, thanh toán hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuốc mỗi năm nhưng cơ quan bảo hiểm lại không có vai trò gì trong hoạt động đấu thầu thuốc ở BV. Thực tế này đã dẫn tới hiện tượng ở nhiều BV, có tình trạng thuốc sau đấu thầu có giá cao hơn ngoài thị trường tự do. Một số hoạt chất lựa chọn điều trị cho bệnh nhân lại có nhiều loại thuốc khác nhau, với giá chênh lệch nhiều lần...

Dự thảo quy định, giá thuốc trong kế hoạch đấu thầu không được cao hơn giá tối đa của từng mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế. Trong trường hợp chưa công bố giá tối đa, khi xây dựng kế hoạch đấu thầu, đơn vị đấu thầu tham khảo giá thuốc đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trước do Cục Quản lý Dược công bố để làm cơ sở xây dựng giá các danh mục thuốc. Đối với những danh mục thuốc chưa có giá thuốc trúng thầu được công bố, đơn vị phải tham khảo báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của ít nhất 3 đơn vị cung ứng thuốc trên thị trường tại thời điểm xây dựng kế hoạch đấu thầu, đồng thời bảo đảm giá kế hoạch không vượt giá kê khai/kê khai lại đang còn hiệu lực. Những mặt hàng có ít đơn vị cung ứng, không đủ 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào báo giá/hóa đơn bán hàng của đơn vị cung ứng, giải trình và cam kết bằng văn bản về giá kế hoạch do đơn vị đề xuất đã phù hợp với giá mặt hàng đó trên thị trường tại thời điểm xây dựng kế hoạch đấu thầu.

Theo đại diện của cơ quan bảo hiểm, nếu được giao trách nhiệm là thành phần của hội đồng đấu thầu mua thuốc, họ sẽ phát huy vai trò giám sát; lựa chọn danh mục thuốc theo các tiêu chí cụ thể, khách quan; tham gia đàm phán giá sau đấu thầu, thanh toán chi phí thuốc theo nhu cầu cụ thể và kịp thời, trên cơ sở minh bạch giá nhập, các chi phí... để hạn chế tình trạng đấu thầu thuốc với giá "trên trời". Hơn nữa, việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành duy trì giá, chất lượng thuốc là việc làm thường xuyên của ngành y tế mà hình như có lúc bị lãng quên?

Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, người mua miễn mặc cả, trả giá. Vì vậy, người bệnh chỉ biết trông chờ vào sự quản lý, giám sát chặt chẽ giá thuốc từ những cơ quan có trách nhiệm thông qua việc triển khai hiệu quả các quy định pháp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát giá thuốc - không dễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.