Chất Trifluralin nếu có trong cá thì nấu chín cũng không ăn thua. Chất Trifluralin có màu vàng, cực độc, tương tự thuốc 2,4D (chất độc da cam). Trifluralin dùng diệt cỏ, có khả năng gây bệnh ung thư, dị dạng, ảnh hưởng thần kinh…
Ngay sau khi báo chí đăng bài "Cá nhiễm chất cấm" (chất Trifluralin, một loại kháng sinh bị cấm sử dụng), ngày 16/4, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và truy tìm nguồn gốc cá bị nhiễm trên địa bàn TP.
Lấy mẫu cá đi phân tích
Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, cũng thông tin: Trong những ngày tới sẽ tổ chức kiểm tra, lấy mẫu cá ở chợ đầu mối thủy sản Bình Điền đưa đi phân tích. Việc tăng cường lấy mẫu, xác định chất cấm nhằm siết chặt thêm công tác quản lý chất lượng các nguồn sản phẩm thủy sản từ các nơi chuyển về TP. Trong trường hợp không phát hiện chất cấm cũng cần phải thông tin cho người dân được biết để tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng, tránh gây thiệt hại cho người nuôi cá.
Ông Vĩnh cho biết thêm trong thời gian tới, ngoài kiểm tra hằng ngày, lấy mẫu phân tích nhanh các loài cá thấy có dấu hiệu nghi ngờ không đảm bảo chất lượng, chi cục cũng sẽ tổ chức lấy mẫu cá phân tích theo định kỳ mỗi tháng một lần. “Đối với cá điêu hồng, chúng tôi sẽ đưa vào “chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm”, kết hợp với các tỉnh, thành liên quan, kiểm soát chặt từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, bảo quản cho đến khi vận chuyển lên TP, bán ra thị trường” - ông Vĩnh nói.
Tới đây, cá ở chợ đầu mối thủy sản Bình Điền sẽ được lấy mẫu đưa đi
phân tích có nhiễm chất cấm.
Rất khó truy tìm nguồn gốc
Về nguồn gốc chất Trifluralin, ông Vĩnh cho hay sau khi Bộ NN&PTNT có lệnh cấm, Tổng cục Thủy sản cũng đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, xác định chất Trifluralin không còn nhập về TP. Các điểm bán thuốc thú y cũng không còn bán. “Do TP là nơi cung cấp chính các loại thuốc trong nuôi trồng thủy sản cho miền Tây nên việc cá bị nhiễm chất cấm có thể người nuôi đã sử dụng nguồn hàng tồn lưu trước đây” - ông Vĩnh nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thụ, Giám đốc Cơ quan Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ (Bộ NN&PTNT), cho hay hiện chưa có quy định bắt buộc thủy sản dùng làm thực phẩm khi lưu thông trên thị trường phải có giấy chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy việc truy xuất hộ nuôi cá có sử dụng Trifluralin cực kỳ khó khăn.
Một chuyên gia ngành NN&PTNT (đề nghị không nêu tên) cũng cho biết thêm heo, trâu, gà, vịt khi lưu thông thị trường phải có giấy kiểm dịch. Vì vậy khá thuận lợi truy tìm nguồn gốc khi xảy ra sự cố. “Đối với thủy sản dùng làm thực phẩm, mặc dù nhiều người thấy được khó khăn khi truy tìm nguồn gốc nhưng đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa có hướng chỉnh sửa, bổ sung. Nếu tình trạng này kéo dài thì thực trạng cá (kể cả tôm) nhiễm Trifluralin sẽ tồn tại, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng” - vị này nói.
Về việc có truy xuất được nguồn gốc cá điêu hồng do thương lái ở Tiền Giang cung cấp cho chợ đầu mối thủy sản Bình Điền hay không, trong ngày 16/4 chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Chi cục Thủy sản Tiền Giang và Chi cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản Tiền Giang nhưng chưa nhận được câu trả lời. Một cán bộ của Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết đơn vị này chỉ quan trắc về chất lượng nguồn nước ở những điểm nuôi cá, chưa từng quan trắc về chất Trifluralin.
Nấu chín cũng không ăn thua TS NGUYỄN TUẦN, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm - Viện Nghiên cứunuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN&PTNT) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.