Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ - Đáy

Trần Nhân| 31/03/2023 07:25

(HNM) - Bảo vệ môi trường lưu vực sông là vấn đề đang được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Hà Nội, một trong số các con sông có tình trạng ô nhiễm đáng báo động đó là sông Nhuệ - Đáy. Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề xuất giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ dự báo và kiểm soát chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Buổi nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ dự báo và kiểm soát chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy nằm ở hữu ngạn sông Hồng, là lưu vực sông có tốc độ đô thị hóa nhanh, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Đây cũng là nơi dân cư tập trung đông đúc, nhiều khu công nghiệp, nhà máy, làng nghề, cơ sở kinh doanh, dịch vụ... đòi hỏi nhu cầu sử dụng nước lớn đồng thời cũng thải ra môi trường một lượng nước tương tự.

Lưu vực sông Nhuệ - Đáy được biết đến như một điểm nóng về chất lượng nước trong những năm gần đây. Chất lượng nước kém đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân địa phương. Do đó kiểm soát ô nhiễm trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy thuộc địa bàn thành phố đóng vai trò quan trọng không chỉ với Hà Nội mà còn đối với toàn lưu vực.

Trong bối cảnh đó, Viện Khoa học tài nguyên nước đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ dự báo và kiểm soát chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy trên địa bàn thành phố Hà Nội”, mã số 01C-09/01-2020-3. Theo Chủ nhiệm đề tài Thái Quỳnh Như, đề tài được tiến hành nhằm 2 mục tiêu: Đánh giá được hiện trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt lưu vực sông Nhuệ - Đáy trên địa bàn thành phố và dự báo mức độ ô nhiễm nước mặt trên lưu vực sông; bằng công cụ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đề xuất được giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm và kiểm soát chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ - Đáy trên địa bàn Hà Nội.

Khu vực nghiên cứu của đề tài gồm cả 2 sông Nhuệ và Đáy, trong đó có hệ thống phân chậm lũ Vân Cốc thuộc huyện Phúc Thọ (Hà Nội), cống Liên Mạc ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), sau đoạn hợp lưu của sông Nhuệ và sông Đáy thuộc địa phận thành phố Phủ Lý (Hà Nam).

Trong vòng 25 tháng (từ tháng 10-2020 đến tháng 10-2022), Chủ nhiệm đề tài và các cộng sự đã tiến hành nhiều nội dung nghiên cứu: Mô phỏng diễn biến chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận bằng mô hình thủy lực ID; xây dựng ngân hàng dữ liệu chất lượng nước từ kết quả mô phỏng của mô hình số trị, làm đầu vào của mô hình trí tuệ nhân tạo... từ đó đã xây dựng được bộ công cụ có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo mô phỏng chất lượng nước, qua đó đề xuất các giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm và kiểm soát chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp thành phố của đề tài đánh giá, đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc dự báo và kiểm soát chất lượng nước trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Việc sử dụng công nghệ này sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực mô hình hóa chất lượng nước ở Việt Nam.

Sản phẩm của đề tài giúp người ra quyết định có đủ thông tin và cơ sở khoa học tin cậy trong việc lựa chọn các giải pháp kiểm soát ô nhiễm hiệu quả trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Đề tài sau khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng vào việc dự báo, kiểm soát chất lượng nước, góp phần bảo vệ, cải tạo môi trường nước trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, bảo đảm cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Hạ, Chi cục bảo vệ môi trường các địa phương; các công ty, nhà máy khai thác nguồn nước sông phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất; các công ty sản xuất có hoạt động khai thác, xả thải vào nguồn nước sông; các công ty xử lý nước ô nhiễm... có thể sử dụng công cụ dự báo và kiểm soát ô nhiễm này. Qua đó kiểm soát chất lượng nước, góp phần bảo vệ, cải tạo môi trường nước trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thuộc địa bàn Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ - Đáy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.