(HNM) - Hiện nay, an toàn thực phẩm là tiêu chí quan trọng để xét duyệt các sản phẩm đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Việc này không chỉ giúp chủ thể OCOP nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn tạo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Việt cho biết, hiện hợp tác xã trồng 20ha chuối, 24ha đu đủ. Từ năm 2021, chuối đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đu đủ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Để sản phẩm OCOP bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hợp tác xã quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất theo hướng an toàn. Sản phẩm chuối và đu đủ được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, doanh thu 270-280 triệu đồng/ha/năm.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy, sản phẩm gạo chất lượng Khu Cháy của hợp tác xã được công nhận OCOP 4 sao. Để bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm, hợp tác xã hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, hợp tác xã còn phát triển hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn vào các kênh siêu thị, cửa hàng phân phối, tiến tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu.
Đối với các sản phẩm nông nghiệp, một trong những tiêu chí quan trọng để xét duyệt OCOP là vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, qua đánh giá phân loại và kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất cho thấy, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP chú trọng đưa ra thị trường những sản phẩm uy tín, bảo đảm chất lượng. Các địa phương, đơn vị cũng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức ký cam kết sản xuất an toàn.
Hiện, vấn đề kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm OCOP còn không ít khó khăn do các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; nông dân chưa quen với việc ghi chép nhật ký chăm sóc để truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Để duy trì và phát triển sản phẩm thực phẩm OCOP, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, thời gian tới, huyện xây dựng vùng nguyên liệu; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất, tạo sản phẩm OCOP chất lượng cao. Cùng với đó, huyện kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất sản phẩm OCOP để tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, nhằm kiểm soát chất lượng các sản phẩm OCOP bán ra thị trường, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến; ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản...
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, giám sát quy trình sản xuất khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của từng địa phương, tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và hướng tới xuất khẩu các mặt hàng OCOP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.