(HNMO) - Ngày Dân số thế giới năm nay (11-7), thành phố Hồ Chí Minh tăng cường truyền tải thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”, trong bối cảnh cả khu vực phía Nam đang có mức sinh thấp nhất cả nước.
Nhiều hệ lụy khi sinh thấp
Theo “Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm ngày 1-4-2020” vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm 9-3, thành phố Hồ Chí Minh đang là địa phương có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước (1,53 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ). Tỷ suất này ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) lần lượt là 1,62 và 1,82, thấp hơn nhiều so với mức tỷ suất sinh thay thế của toàn quốc (2,12 con/phụ nữ).
Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mức sinh thấp dẫn đến tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, dẫn đến gia tăng tốc độ già hóa dân số, nguy cơ gây quá tải cho hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, trong khi thiếu hụt lực lượng lao động trẻ cho sản xuất, kinh doanh…
Chia sẻ về vấn đề này, chị Trương Diễm Chi, 29 tuổi, ngụ tại hẻm 66 đường Lâm Văn Bền, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đều làm nhân viên văn phòng, cưới nhau đã 4 năm và có 1 con trai 3 tuổi. Chúng tôi chưa có ý định sinh thêm cháu thứ 2 vì muốn có nhiều cơ hội học hỏi, thăng tiến và có thể chăm con tốt hơn".
Đây không phải là quan điểm riêng có của chị Chi mà còn là của nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các tỉnh, thành phía Nam. Chị Hoàng Thụy Duyên, 25 tuổi, ngụ tại ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, tâm sự: “Vợ chồng tôi làm nông, mới có 1 cháu 4 tuổi và đang tính lên Bình Dương làm công nhân. Hiện chúng tôi chưa tính đến việc sinh cháu thứ 2, chủ yếu về lý do kinh tế, công việc…”.
Tình trạng thiếu hụt lao động tại Đông Nam Bộ đã diễn ra, dẫn đến việc khu vực này đứng đầu cả nước về tiếp nhận người nhập cư tìm việc làm (20,4%) trong khi tỷ lệ xuất cư chỉ là 1,7%, khiến mức tăng dân số lên đến 2,75%, dẫn đến quá tải hệ thống an sinh xã hội, giáo dục, y tế; nhu cầu nhà ở không được đáp ứng đầy đủ… Trong khi đó, Tây Nam Bộ sinh ít, tỷ lệ xuất cư lên đến 11,8%, nhập cư chỉ 1,2%, dẫn đến dân số giảm 0,26%, gây nguy cơ thiếu hụt nhân lực.
Sớm nâng cao tỷ suất sinh
Theo Chi cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân dẫn đến tỷ suất sinh của thành phố thấp là do quy mô dân số lớn và tốc độ phát triển kinh tế cao dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt…
Để khắc phục tình trạng này và đặt mục tiêu đạt tỷ suất sinh 1,6 con/phụ nữ vào năm 2030, thành phố tập trung vào các giải pháp như hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, hỗ trợ viện phí cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai; hỗ trợ miễn giảm học phí, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân và tính đến việc thích ứng với mức sinh thấp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để khuyến khích phụ nữ tại các địa phương có tỷ suất sinh thấp sinh đủ 2 con, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 10-3-2021) về hướng dẫn địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.
Bộ Y tế đề nghị, UBND 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (gồm thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang) tùy tình hình kinh tế - xã hội, quyết định mức khen thưởng, hỗ trợ cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đưa vào dự thảo Luật Dân số (đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi) nhiều đề xuất chính sách khuyến khích phụ nữ tại các vùng có mức sinh thấp sinh đủ 2 con, như: Nhà nước sẽ hỗ trợ 1 lần bằng tiền ít nhất tương đương 1 lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương 2 lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai (mức lương tối thiểu vùng ở Nam Bộ hiện khoảng 3,2 - 4,6 triệu đồng/tháng).
Cũng theo dự thảo, cặp vợ chồng cam kết sinh đủ 2 con được Nhà nước hỗ trợ cho trẻ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập. Cặp vợ chồng sinh đủ 2 con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội…
Thạc sĩ Phạm Chánh Trung nhận định: “Việc trung ương và địa phương cùng nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp có ý nghĩa quan trọng, góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển trong tương lai”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.