Doanh nghiệp

Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn

Hồng Sơn 31/08/2023 - 15:40

Ngày 31-8, Viện Chiến lược phát triển (VIDS), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (KAS) tổ chức hội thảo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) trong giai đoạn 2021-2022.

anh-quang-canh-hoi-thao.jpg
Quang cảnh hội thảo.

“Báo cáo không chỉ phân tích các doanh nghiệp VPE500 đã có những thay đổi như thế nào trong bối cảnh dịch Covid-19, khả năng chống chịu, mà còn trả lời câu hỏi họ có phải là trụ đỡ cho phát triển của các doanh nghiệp tư nhân nói chung hay không?”, ông Florian Constantin Feyerabend, Trưởng đại diện Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam cho biết.

Tại thời điểm ngày 31-12-2021, Việt Nam có 694,2 nghìn doanh nghiệp tư nhân trong nước, chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản của khối doanh nghiệp.

Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Vào cuối năm 2021, chỉ có 0,22% số doanh nghiệp có quy mô từ 500 lao động trở lên. Một bộ phận trong số này dần chuyển thành doanh nghiệp lớn, đứng vào nhóm 500 doanh nghiệp quy mô lớn nhất cả nước.

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng ban Quan hệ quốc tế (VIDS) cho biết, VPE500 tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ (chiếm khoảng 75%) và có xu hướng tăng nhẹ. Nhìn chung, VPE500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương. VPE500 phân bố ở 21/21 ngành cấp 1, trong đó tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại và xây dựng.

So sánh giữa hai năm xảy ra Covid-19 và một năm trước đó, có biến động khá lớn về số doanh nghiệp ra vào danh sách VPE500. Năm 2020, có tới 97/500 doanh nghiệp (19,4%) đã không còn trong xếp hạng VPE500 của năm 2019. Đến năm 2021, tiếp tục có tới 61 doanh nghiệp nữa rời khỏi danh mục, nâng tổng số rời đi sau hai năm lên tới 158, tương đương 31,6%, và vẫn tập trung vào các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề.

Thực tế cũng cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm vẫn giữ được vị trí trong bảng xếp hạng; đây cũng là nhóm xếp hạng cao và ít thay đổi về thứ bậc.

Nhờ quy mô và kết quả hoạt động vượt trội nên VPE500 chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng doanh nghiệp nhưng đóng góp lớn vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bình quân giai đoạn 2019-2021, VPE500 chỉ chiếm 0,075% tổng số doanh nghiệp tư nhân trong nước nhưng tạo việc làm cho 12% lao động, chiếm 28% tổng tài sản, tạo ra 18,4% doanh thu gộp và đóng góp 18,4% nộp ngân sách của nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Qua phân tích về VPE500 cho thấy, cần thiết phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú shock lớn từ bên ngoài, đồng thời làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, chính sách trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu cũng như gia tăng sức lan tỏa, đóng góp xứng đáng đối với nền kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.