Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng di cư: Sức ép ngày càng lớn

Thùy Dương| 26/10/2015 06:37

(HNM) - Một cuộc họp khẩn cấp về khủng hoảng người di cư giữa lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) với các nước Balkan đã diễn ra ngày 25-10 trong bối cảnh 3 nước

Cuộc họp thượng đỉnh này do Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker triệu tập với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước EU cùng lãnh đạo Albania, Serbia và Macedonia nhằm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia để giải quyết vấn đề người di cư đang tiếp tục tràn vào Lục địa già. Cuộc gặp diễn ra sau khi Bulgaria, Romania và Serbia ngày 24-10 cảnh báo không chấp nhận trở thành "vùng đệm" cho hàng chục nghìn người di cư đang đổ về EU nếu Đức, Áo và các quốc gia khác đóng cửa biên giới. Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov tuyên bố, ông cùng hai người đồng cấp Serbia và Romania sẽ không mạo hiểm để đặt quốc gia gánh chịu áp lực nặng nề từ hàng triệu người di cư đang đổ dồn đến khu vực.

Đám đông người di cư đang chờ vượt qua biên giới để sang Croatia từ làng Berkasovo của Serbia.


Chỉ trong tuần qua, EU đã phải tiếp nhận số người nhập cư kỷ lục lên tới 47.500 người tới Slovenia, quốc gia chỉ có 2 triệu dân và 48.000 người tràn vào Hy Lạp, quốc gia cũng chỉ có khoảng 11 triệu dân. Hiện nay, hàng chục nghìn người, trong đó đa số là người di cư Syria, Afghanistan tìm đường tới Đức, đang bị mắc kẹt ở các quốc gia Tây Balkan khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia. Chính phủ Hungary cho rằng người di cư chủ yếu theo đạo Hồi có thể tạo ra nguy cơ đối với sự thịnh vượng và an ninh của Châu Âu, cũng như các "giá trị Thiên chúa giáo". Do đó, Hungary đã đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia bằng một hàng rào thép, đồng thời, ban hành quy định từ chối quyền tìm kiếm sự bảo vệ của người di cư. Nỗ lực của Slovenia và Hungary nhằm ngăn dòng người di cư đã dẫn tới hiệu ứng "domino" ở các nước vùng Balkan. Croatia bắt đầu cản trở những người di cư mới, trong khi Serbia cho biết có thể sẽ áp dụng cách làm tương tự tại khu vực biên giới với Macedonia. Tính đến ngày 23-10, đã có 12.000 người di cư tập trung tại khu vực biên giới Slovenia chờ cứu trợ. Chính phủ Slovenia đang kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế vì lo ngại tình trạng quá tải hiện nay nhiều khả năng dẫn tới khủng hoảng nhân đạo. Trong khi đó, có hơn 9.000 người di cư đang phải chịu cảnh thiếu lương thực, chăn đắp khi mùa đông đổ về Serbia và Croatia. Hy Lạp đã phải kêu gọi EU hỗ trợ bổ sung 330 triệu euro trong năm 2016 để giải quyết các vấn đề liên quan tới người di cư.

Trước thềm diễn ra phiên họp khẩn, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã chỉ trích mạnh mẽ các nước EU không thực hiện những cam kết hỗ trợ người di cư, đồng thời hối thúc các hoạt động viện trợ khẩn cấp thay vì những cam kết trên giấy tờ. Các nước thành viên EU đã cam kết hỗ trợ tổng cộng 2,3 tỷ euro để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư nhưng đến nay mới chỉ cung cấp 275 triệu euro. Rõ ràng, EU đang phải đối mặt với những bài toán kinh tế hóc búa khi phải chi tới hàng tỷ USD. Giới hoạch định chính sách Đức cho rằng, về ngắn hạn, kinh tế các nước Châu Âu sẽ phải chịu những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng trên khi buộc phải chi một khoản lớn ngân sách nhằm cung cấp nhu yếu phẩm và nơi ở cho người nhập cư, cũng như xử lý đơn xin tị nạn. Một số quốc gia chủ chốt của EU được đánh giá đáp ứng tương đối dễ dàng các khoản chi phí. Chẳng hạn, Pháp chỉ phải chi khoản bổ sung 300 triệu euro cho người tị nạn trong khi dự trữ khẩn cấp của nước này khá lớn, lên tới 8 tỷ euro. Tuy nhiên, đối với một số quốc gia khác, kể cả Đức, khoản chi này lại không hề nhỏ. Cụ thể, Đức đã dành 6 tỷ để giải quyết các vấn đề liên quan đến người nhập cư trong năm nay. Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) ước tính, khoản chi ngân sách mà quốc gia này phải bỏ ra trong hai năm tới sẽ lần lượt là 10 tỷ euro và 12 tỷ euro/năm. Cũng theo S&P, những khoản chi ngân sách lớn đột xuất có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế và ngân sách hoặc mức xếp hạng tín nhiệm của một số nước EU. Bên cạnh đó, việc hàng nghìn người tị nạn đổ về châu lục này sẽ "bào mòn" hệ thống an sinh xã hội vốn do người dân bản địa đóng góp dành cho y tế, hỗ trợ thất nghiệp, lương hưu và giáo dục.

Chưa thể biết giải pháp nào có thể giải quyết triệt để làn sóng di cư dù EU liên tục tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh trong thời gian gần đây. Sự phức tạp của tình trạng hiện nay khiến dư luận không có nhiều kỳ vọng EU sẽ thống nhất được một kế hoạch chung. Không khó nhận thấy, cuộc khủng hoảng người di cư nghiêm trọng nhất ở Châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II đang gây một sức ép ngày càng lớn lên Cựu lục địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng di cư: Sức ép ngày càng lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.