UBND TP vừa ra Quyết định số 6869/QĐ-UB, phê duyệt chi tiết quy hoạch khu vực xã Xuân Phương, Từ Liêm theo tỷ lệ 1/2000. Theo đó, 249 ha đất nông nghiệp sẽ dần được chuyển đổi sang chức năng đất dân dụng để tăng quỹ đất phát triển đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nâng cao điều kiện, môi trường sống cho 31 nghìn người dân trong khu vực theo chiến lược điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2020.
Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Xuân Phương. Ảnh: T.Q
Từ xã lên…đô thị
Theo quy hoạch, tổng diện tích đất ở toàn khu vực là 165 ha, trong đó bao gồm 47 ha đất làng xóm cần cải tạo, chỉnh trang và 52 ha đất ở phát triển mới (đất dãn dân, di dân, đất ở khu đô thị mới…). Nhà ở khu vực làng xóm cũ được giữ lại, cải tạo theo quy hoạch bằng cách tổ chức vườn cây đặc sản, trồng hoa, tôn tạo công trình di tích, công trình có giá trị lịch sử, tạo ra khu du lịch sinh thái thu hút khách du lịch. Quỹ đất trống trong làng và ven làng được ưu tiên giải quyết cho các nhu cầu của địa phương, đồng thời dành bố trí cho nhu cầu di dân, giãn dân của xã.
Hơn 66% diện tích là đất ở. Ảnh: T.Q |
Đô thị mới, hạ tầng kỹ thuật hiện đại
Trên địa bàn khu vực quy hoạch có các tuyến đường 70B, đường Vành đai 3 Mỹ Đình-Xuân Phương, đường khu vực ở phía Đông thôn Ngọc Mạch…Theo quy hoạch, đường 70B nằm ở giáp ranh xã Xuân Phương, giáp tỉnh Hà Tây, có mặt cắt ngang rộng 50m. Đường Vành đai 3 Mỹ Đình-Xuân Phương đến đường 70B sẽ là trục giao thông chính với mặt cắt ngang 50m. Trong khi đó, 2 tuyến đường khu vực phía Đông tuyến đường sắt quốc gia và phía Đông thôn Ngọc Mạch, cắt qua thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương đều có mặt cắt ngang rộng 40m. Bãi đỗ xe tập trung được bố trí dọc theo tuyến đường nhánh ở trung tâm đơn vị ở, kết hợp với trồng cây xanh. Chỗ để xe được bố trí trong tầng hầm hoặc tầng 1 của công trình cao tầng.
Khu vực làng xóm sẽ được giữ nguyên cao độ nền hiện nay với hướng dốc từ Tây sang Đông, Bắc xuống Nam. Theo kiến trúc, khu vực 1 gồm 65 ha được thoát vào cống bản và sau đó ra hồ điều hòa, bơm ra sông Nhuệ bằng trạm bơm Hòe Thị. Trong khi đó, khu vực 2, bao gồm toàn bộ lưu vực còn lại ở phía Nam cũng thoát qua cống bản, chảy vào hồ điều hòa trước khi bơm ra sông Nhuệ bằng trạm bơm Cầu Giát.
Đường cống thoát nước được đặt ở tim đường quy hoạch. Đối với các đường lớn có dải phân cách ở giữa, đường cống được đặt ở lòng đường, cách mép hè mỗi bên 2,5 m. Các khu vực dân cư làng xóm cũ được xây dựng tuyến rãnh thoát nước bao, thoát ra tuyến cống mới thiết kế theo phương pháp tự chảy…
Thành Chung
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.